Tôi bị cứng các khớp, nhất là khớp gối, cứng các ngón tay, đứng lên ngồi xuống rất khó khăn. Tôi đã đi khám, bác sĩ nói tôi bị thoái hóa khớp. Bác sĩ đã kê đơn thuốc uống, chích bổ sung chất nhờn nhưng bệnh không khỏi. Hằng ngày, tôi có uống thêm canxi, glucosamin liều 1500 mg nhưng bệnh vẫn không bớt. Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, xin cảm ơn. (Thái Văn Dũng, 56 tuổi, An Giang)
Trả lời:
Theo như mô tả chú đã được chẩn đoán thoái hóa khớp gối. Theo định nghĩa y khoa, đó là tình trạng tổn thương lớp sụn của khớp, nguyên nhân thông thường là nguyên phát do lứa tuổi hoặc thứ phát sau các chấn thương. Hiểu nôm na thì chúng ta già đi thì khớp gối của cũng già và yếu đi.
Việc điều trị thoái hóa khớp sẽ tùy vào tình trạng và mức độ thoái hóa cũng như lứa tuổi bệnh nhân. Các biện pháp không mổ bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, các thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm, các chế phẩm tiêm vào khớp như acid hyaluronic, PRP, steroid... kèm các bài tập vật lý trị liệu vùng khớp gối, thay đổi lối sống tránh các tư thế xấu cho khớp.
Các biện pháp can thiệp phẫu thuật bao gồm phẫu thuật đục xương chỉnh trục, nội soi cắt lọc khoan kích thích, ghép sụn, bơm tế bào gốc... và cuối cùng là thay khớp gối nhân tạo. Nhờ vào sự tiến bộ của kỹ thuật và dụng cụ mà ngày nay các phẫu thuật từ đục chỉnh trục, nội soi hay thay khớp đều diễn ra nhẹ nhàng, kết quả tốt, ít đau đớn giúp bệnh nhân phục hồi sớm trở lại với các hoạt động thường ngày.
Chính vì vậy, chú đừng ngần ngại đến thăm khám để bác sĩ đưa ra quyết định phù hợp với tình trạng và mức độ bệnh của mình. Đừng để những cơn đau do thoái hóa khớp gây lo âu, buồn rầu và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Chúc chú mau khỏe.
ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM