Bệnh võng mạc tiểu đường là biến chứng bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mắt, gồm hai giai đoạn: bệnh lý võng mạc nền (không tăng sinh) và bệnh võng mạc tăng sinh. Bệnh xảy ra do tổn thương các mạch máu của võng mạc. Tổn thương mạch máu ở võng mạc ảnh hưởng đến thị lực, nếu không điều trị sớm sẽ gây biến chứng nguy hiểm ở mắt.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng (chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, người bị bệnh võng mạc tiểu đường thường không có dấu hiệu bất thường trong giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển nguy hiểm hơn mới thấy rõ các triệu chứng như: nhìn mờ, khó nhìn vào ban đêm, thấy màu sắc mờ hoặc nhè, tầm nhìn bị thu hẹp.
Khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị võng mạc tiểu đường sẽ kiểm tra mắt soi đáy mắt. Bác sĩ dùng thuốc nhỏ mắt làm giãn nở đồng tử và nhìn qua một thấu kính chuyên dụng để kiểm tra mắt. Bác sĩ còn có thể chụp cắt lớp mạch quang học để quan sát kỹ võng mạc. Hình ảnh chi tiết về độ dày của võng mạc giúp bác sĩ tìm và đo mức độ phù của điểm vàng. Chụp mạch OCT giúp bác sĩ xem được mạch máu trong võng mạc có tổn thương hay không. Theo bác sĩ Tùng, đây là phương pháp mới được thay thế cho phương pháp chụp mạch huỳnh quang, người bệnh không cần tiêm thuốc cản quang.
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mắt, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Tuy nhiên, việc đầu tiên mỗi bệnh nhân tiểu đường cần làm là kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp để ngăn chặn mất thị lực. Người bệnh nên thăm khám bác sĩ tiểu đường để được hướng dẫn chế độ ăn uống và vận động phù hợp. Kiểm soát đường huyết tốt giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn. Bác sĩ Tùng chia sẻ một số phương pháp điều trị bệnh này như sau:
Tiêm thuốc vào mắt: Thuốc giúp giảm phù điểm vàng, làm chậm quá trình mất thị lực và có thể cải thiện thị lực. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm: avastin, eylea, lucentis... Thuốc được tiêm vào mắt, người bệnh có thể tiêm nhiều mũi trong thời gian điều trị.
Laser: Để giảm sưng ở võng mạc, bác sĩ khoa mắt sẽ sử dụng tia laser để làm cho các mạch máu co lại và ngừng rò rỉ, được gọi là phẫu thuật bằng laser tán xạ (đôi khi gọi quang đông võng mạc). Trước khi làm laser, người bệnh sẽ được nhỏ thuốc tê vào mắt, sử dụng một thấu kính và nhắm tia laser vào mắt.
Phẫu thuật: Cắt bỏ dịch kính được chỉ định với các trường hợp bong võng mạc nhằm sửa các lỗ hổng hoặc vết rách trên võng mạc. Phương pháp này giúp giải quyết xuất huyết dịch kính và các nguồn chảy máu ở võng mạc.
Bác sĩ Tùng lưu ý, sau phẫu thuật, mắt có thể bị sưng và đỏ trong vài tuần. Mắt đang phục hồi có thể bị đau mắt, thị lực kém hơn trước phẫu thuật. Người bệnh cần tái khám kiểm tra thị lực thường xuyên để đảm bảo mắt đang tiến triển tốt. Sau phẫu thuật, người bệnh cần đeo miếng che mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt giảm sưng và ngừa nhiễm trùng, tránh các hoạt động như lái xe, tập thể dục cường độ cao, nâng vật nặng, đi máy bay, du lịch...; nghỉ ngơi ở nhà từ 2-4 tuần.
Bệnh võng mạc tiểu đường là một trong những biến chứng do đường huyết tăng cao trong thời gian dài. Người bệnh nên khám với bác sĩ khoa nội tiết - đái tháo đường và chuyên khoa mắt để kiểm soát đường huyết, tầm soát biến chứng, điều trị kịp thời.
Nguyễn Trăm