ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết tiêm nội khớp (tiêm khớp) là phương pháp tiêm thuốc trực tiếp vào khớp để điều trị các bệnh lý về khớp, thay vì uống thuốc và chờ thuốc lan tỏa khắp cơ thể. Cách này giúp thuốc phát huy tác dụng nhanh hơn, tập trung vào vị trí cần điều trị, giảm đau và viêm, cải thiện khả năng vận động của khớp.
Tiêm nội khớp thường được chỉ định cho những người bệnh bị viêm khớp, thoái hóa khớp... đã điều trị bằng thuốc đường uống và tập vật lý trị liệu nhưng không hiệu quả như mong đợi.
Theo bác sĩ Vũ, tiêm nội khớp thường sử dụng các loại thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm và bôi trơn khớp. Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến thường được bác sĩ chỉ định cho người bệnh.
Corticosteroid là nhóm thuốc có tác dụng giảm viêm mạnh, giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, sử dụng lâu dài hoặc liều cao có thể gây teo cơ, mỏng da, tăng đường huyết...
Axit hyaluronic là một thành phần trong dịch khớp, giúp bôi trơn các mô mềm, bao phủ bên trên lớp bề mặt sụn khớp và được tổng hợp bởi tế bào sụn. Axit hyaluronic có tính nhớt và đàn hồi tùy theo lực tác động.
Các nhóm thuốc chứa axit hyaluronic có tác dụng bôi trơn khớp, giảm ma sát, kích thích sản sinh dịch khớp tự nhiên, giúp khớp vận động trơn tru hơn. Bác sĩ Vũ cho biết nhóm thuốc chứa axit hyaluronic ít tác dụng phụ, có thể sử dụng nhiều lần, mỗi lần tiêm có tác dụng kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Tuy nhiên, hiệu quả làm giảm các triệu chứng xuất hiện chậm hơn so với corticosteroid.
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) có khả năng kích thích tái tạo sụn khớp, giảm đau, chống viêm. Phương pháp này sử dụng tế bào gốc tự thân nên an toàn, ít tác dụng phụ. Song chi phí cao, kỹ thuật thực hiện phức tạp hơn, theo bác sĩ Vũ.
Bác sĩ lựa chọn loại thuốc tiêm nội khớp nào phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, mức độ tổn thương khớp và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Dù là thủ thuật y tế phổ biến, tiêm nội khớp cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau, sưng, cứng khớp. Lúc này, người bệnh có thể chườm đá vào vùng khớp bị ảnh hưởng và sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường sau khi tiêm như nhiễm trùng khớp, ngứa, nổi mề đay, khó thở, sốc phản vệ, tê bì, yếu cơ, tăng đường huyết... Đây là những dấu hiệu cảnh báo các biến chứng nguy hiểm.
Để tối đa hiệu quả tiêm nội khớp và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng, bác sĩ Vũ khuyến cáo người bệnh chọn những cơ sở y tế uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ, đảm bảo vô trùng.
Phi Hồng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |