Người bệnh tiểu đường chăm sóc cá nhân đúng cách sẽ góp phần giảm nguy cơ biến chứng. Người bệnh và người chăm sóc nên lưu ý nhu cầu thể chất và sức khỏe tinh thần khi điều trị bệnh. 5 gợi ý sau hỗ trợ duy trì sức khỏe khi đang điều trị bệnh lý tiểu đường một cách tự nhiên.
Chủ động kiểm tra lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu cao trong bệnh tiểu đường có thể gây nhiều biến chứng tiềm ẩn. Kiểm tra lượng đường trong máu có thể được thực hiện theo nhiều cách (như xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tại cơ sở chăm sóc y tế, tự kiểm tra đường huyết tại nhà).
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, bệnh nhân nên theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu theo mỗi 3 tháng, sao cho chỉ số trung bình ít hơn 7%. Tùy vào cơ địa cá nhân, các bác sĩ có thể đề xuất chỉ số khác nhau. Bệnh nhân đang dùng một số loại thuốc trị tiểu đường như insulin được khuyến nghị nên kiểm tra lượng đường trong máu tại nhà. Cũng theo khuyến nghị từ Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, người bệnh nên kiểm tra trước bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ.
Chăm sóc đôi chân
Người bệnh có lượng đường trong máu cao có thể đối mặt với nguy cơ loét chân, có thể dẫn đến nhiễm trùng da, nhiễm trùng mô mềm và ảnh hưởng đến xương. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gợi ý bệnh nhân có thể chủ động duy trì sức khỏe bàn chân, kiểm soát bệnh tiểu đường bằng một số cách như mang vớ và giày vừa vặn, thoải mái; cắt móng chân thường xuyên.
Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên kiểm tra bàn chân hoặc nhờ người thân kiểm tra hằng đêm để phòng khi có nứt da chân, chấn thương chân hoặc dấu hiệu nhiễm trùng chân. Người bệnh cũng nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa thường niên. Bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các dây thần kinh ở bàn chân nên bạn có thể không nhận thấy bằng mắt vết thương từ bên ngoài.
Nếu nhận thấy da đổi màu, da nứt nẻ, rộp phồng, các vết nứt sâu trên da, da bàn chân đỏ và sưng xung quanh móng chân, chảy dịch hoặc mưng mủ...; gia đình bệnh nhân cần liên lạc với bác sĩ phụ trách để được chăm sóc y tế. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.
Thường xuyên khám mắt
Một biến chứng khác của bệnh tiểu đường là bệnh về mắt, có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực hay mù lòa. Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận quốc gia Mỹ (NIDDK) cho biết, lượng đường trong máu cao có thể gây mờ mắt ngắn hạn. Về lâu dài, lượng đường trong máu cao có thể gây bệnh võng mạc tiểu đường, sưng phần mắt có thị lực tốt hơn, đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp. Do đó, bệnh nhân không nên bỏ qua những dấu hiệu bất thường gặp phải ở mắt mà hãy liên lạc với bác sĩ nhãn khoa để được giải đáp (như chóa mắt, thấy đốm đen chuyển động hoặc các vấn đề về mắt khác).
Chăm sóc, lưu ý sức khỏe răng miệng
Hiệp hội Nha khoa Mỹ lưu ý, bệnh lý tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng và nhiễm trùng. Bệnh lý dẫn đến thừa đường trong nước bọt, khô miệng và vết thương khó lành. Do đó, để giữ răng miệng khỏe khoắn, người bệnh cần siêng đến nha sĩ để được chăm sóc phòng ngừa (sáu tháng một lần), đánh răng hai lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa flour và tránh thuốc lá.
Lên lịch xét nghiệm thận
Cũng theo NIDDK, bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh thận mạn tính. Theo thống kê, một phần ba bệnh nhân tiểu đường cũng mắc bệnh thận. Kiểm soát lượng đường trong máu đóng vai trò quan trọng, giúp ngăn ngừa sự phát triển và tiến triển của bệnh thận khi bị bệnh tiểu đường. Bệnh thận không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành theo dõi chức năng thận của người bệnh, xét nghiệm máu thường xuyên tại các lần khám theo lịch trình.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên có kế hoạch ăn uống và sinh hoạt, vận động theo khuyến nghị của bác sĩ, siêng tập thể dục, giữ tinh thần luôn lạc quan và áp dụng một số cách kiểm soát huyết áp để có một nếp sống lành mạnh.
Mai Chi
(Theo Very Well Health)