Chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Chế độ ăn uống cân bằng thường có trái cây, rau, ngũ cốc, protein nạc và chất béo lành mạnh... Nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất oxy hóa... giúp duy trì sức khỏe và hỗ trợ phòng ngừa ung thư.
Chất chống oxy hóa giúp ích cho cơ thể bằng cách ngăn chặn các gốc tự do khỏi quá trình oxy hóa và làm hỏng tế bào. Chất này cũng góp phần bảo vệ tế bào không bị đột biến thành tế bào ung thư và làm chậm sự phát triển của tế bào ác tính. Các chất chống oxy hóa phổ biến, mang đến nhiều lợi ích bao gồm carotenoid, flavonoid...
Carotenoid
Carotenoid là sắc tố tạo nên màu cam, vàng và đỏ trong thực phẩm. Beta carotene (khi vào trong cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A) là một loại carotenoid. Nghiên cứu của Đại học Illinois (Mỹ) năm 2020 cho thấy, chất chống oxy hóa của carotenoid có khả năng chống lại sự phát triển của ung thư. Những thực phẩm có nhiều carotenoid tốt cho sức khỏe như cà rốt, bắp (ngô), bí đao, bí ngô, cà chua, khoai lang, trái đào, trái mơ, cải xoăn, bông cải xanh...
Lycopene
Lycopene là một sắc tố có màu đỏ tươi, thường có trong cà chua, dưa hấu, bưởi hồng... Chống oxy hóa trong lycopene có liên quan đến việc ngăn ngừa ung thư. Đây là kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) và một số đơn vị vào năm 2020.
Lutein
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto và một số đơn vị ở Canada nhận thấy, hấp thụ lutein có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển ung thư vì nó góp phần bảo vệ tế bào. Do đó, mọi người có thể cân nhắc đưa các thực phẩm chứa lutein vào chế độ ăn uống thường xuyên như rau chân vịt, cải xoăn, cà rốt vàng, bí đao, lòng đỏ trứng, các loại thảo mộc, thì là và hẹ.
Kaempferol và quercetin
Kaempferol và quercetin đều là flavonoid hỗ trợ kiểm soát hoạt động của tế bào và góp phần bảo vệ chúng khỏi tác hại của các gốc tự do. Nhờ cách thức hoạt động này, chúng có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư. Kaempferol thường có trong cải xoăn, đậu, trà, rau chân vịt, bông cải xanh. Trong khi đó, táo, mật ong, quả mâm xôi, hành, nho đỏ, các loại rau lá xanh chứa nhiều quercetin.
Curcumin
Curcumin có thể ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư nhưng cơ thể hấp thụ kém nên bị hạn chế tác dụng. Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Temple (Mỹ) và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy, cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi curcumin có thể được khuyến nghị để điều trị ung thư. Curcumin có nhiều trong củ nghệ.
Axit folic và folate
Axit folic và folate là các dạng của vitamin B9. Axit folic là dạng tổng hợp được sử dụng trong thực phẩm đã chế biến và thực phẩm bổ sung. Folate có rau xanh, trứng, trái cây họ cam quýt...
Sự thiếu hụt folate có thể tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Folate thường có trong bông cải xanh, bắp cải brussel, rau lá xanh, đậu hà lan, đậu gà, đậu tây...
Sulforaphane
Nghiên cứu của Đại học Toronto và một số đơn vị ở Canada năm 2017 cho thấy hợp chất thực vật sulforaphane có khả năng giảm nguy cơ ung thư, góp phần ức chế sự phát triển và khiến cho nhiều tế bào ung thư chết đi. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý sulforaphane có thể làm giảm hiệu quả của các loại hóa trị. Sulforaphane chuyển hóa từ glucosinolate có trong các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải brussel, bắp cải, súp lơ...
Chất xơ
Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt hơn, đi ngoài đều đặn, góp phần phòng nhiều bệnh. Chất xơ có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư ruột già vì góp phần duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, hỗ trợ ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Mỗi người cần ăn đủ lượng chất xơ (ít nhất 25 g mỗi ngày) có thể dùng các thực phẩm như các loại đậu, các loại ngũ cốc, bông cải xanh, quả mọng, bơ, táo...
Cách chế biến rau có thể ảnh hưởng đến lượng vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật. Ăn sống sẽ giúp giữ nguyên chất dinh dưỡng hơn nấu chín. Hấp và xào rau với một lượng nhỏ nước có thể giúp giữ được nhiều dưỡng chất hơn.
Kim Uyên (Theo Verywell Health)