Gốc tự do là những tiểu phân hóa học (phân tử, nguyên tử, ion) có một điện tử đơn độc ở lớp ngoài cùng. Với áp lực mạnh của điện tử đơn độc, gốc tự do có khả năng tương tác với tất cả các phân tử của những tế bào bên cạnh nó, phá vỡ hoàn toàn màng tế bào, làm hư hại gene di truyền hoặc hủy hoại toàn bộ tế bào.
Các quá trình trao đổi chất bình thường trong cơ thể có thể tạo ra các gốc tự do một cách tự nhiên. Chẳng hạn các gốc tự do được sinh ra trong khi phá vỡ các chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể hoạt động. Bên cạnh đó, một số yếu tố như khói thuốc lá, tia cực tím, bức xạ, khí phóng xạ như radon, tiếp xúc với các hóa chất từ môi trường và công việc, một số loại virus, ô nhiễm không khí... cũng có thể kích thích cơ thể tạo ra nhiều gốc tự do hơn.
Một khi các gốc tự do được tạo ra nhiều, dù là do tiếp xúc với chất làm tăng nguy cơ ung thư hay các quá trình bình thường của cơ thể thì cũng có thể gây hại. Các gốc tự do có thể làm hỏng DNA của tế bào, đôi khi, gây ra các đột biến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch, ung thư.
Chất chống oxy hóa là các phân tử có thể cho gốc tự do một điện tử để kết hợp với các gốc tự do nhưng không làm thay đổi tính chất, đảm bảo được độ ổn định. Nhờ đó, chúng ít gây ra các phản ứng hóa học bất thường trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu có sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa sẽ gây ra stress oxy hóa hay căng thẳng oxy hóa. Stress oxy hóa có thể khiến khả năng miễn dịch của cơ suy giảm đáng kể, cơ thể nhạy cảm và dễ bị tấn công bởi các mầm bệnh.
Sự hư hỏng của DNA cũng có thể ảnh hưởng đến các gene ức chế khối u. Trong khi, gene ức chế khối u tạo ra các protein có chức năng sửa chữa DNA bị hư hỏng hoặc loại bỏ các tế bào bị tổn thương. Khi các gene ức chế khối u hoạt động bất thường, tế bào có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát dẫn đến ung thư.
Cách phòng chống các gốc tự do
Chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin A, beta-caroten... giúp chống lại các gốc tự do và stress oxy hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính, bao gồm cả ung thư. Nhiều chất chống oxy hóa có trong thực phẩm như quả mọng, trà xanh... góp phần ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do và làm giảm tác hại mà chúng gây ra trong cơ thể.
Không thể tránh hoàn toàn các gốc tự do vì chúng là một phần của quá trình tự nhiên của cơ thể. Nhiều người tiếp xúc với chất hóa chất độc hại nơi làm việc mà không thể tránh được. Do đó, ăn thực phẩm giàu "sắc màu cầu vồng" (màu đỏ; cam, vàng, trắng, nâu, xanh lá cây, xanh dương, tím...) sẽ hữu ích.
Người bệnh điều trị ung thư có thể lo lắng về các gốc tự do và không biết có nên tăng lượng chất chống oxy hóa để chống lại nhiều tổn thương hơn hay không. Trong một số trường hợp, bổ sung chất chống oxy hóa có thể làm xấu đi tiên lượng đối với một số bệnh ung thư và các chất bổ sung vitamin có thể làm cho điều trị ung thư kém hiệu quả hơn.
Mặc dù các chất bổ sung chất chống oxy hóa thường không được khuyến khích, bác sĩ ung thư thường khuyên người bệnh ăn uống cân bằng, bổ dưỡng, nhiều loại rau củ quả có chứa chất chống oxy hóa tự nhiên.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)