Trẻ bị nhiễm trùng xoang thường cảm thấy nghẹt mũi, mũi tiết chất nhầy đặc màu vàng, đau bên mũi, thậm chí lan ra mặt. Cha mẹ thường nghĩ rằng con mình bị nhiễm trùng xoang do vi khuẩn và tìm đến kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp nhiễm trùng xoang, bác sĩ thường khuyên người bệnh đợi vài ngày trước khi kê đơn kháng sinh. Các bác sĩ nhi khoa cho biết, kinh nghiệm của họ cho thấy các biện pháp khắc phục tại nhà có thể làm giảm bớt sự khó chịu của trẻ.
Tắm nước ấm giúp giảm tắc nghẽn: Hơi nước làm ẩm các đường xoang, làm chất nhầy đặc loãng ra và dễ trôi ra ngoài, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Khi trẻ tắm nước ấm phụ huynh cần theo dõi, tránh để trẻ tắm một mình, tắm quá lâu sẽ bị nhiễm nước. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ xông bằng một nồi nước đang bốc khói, trẻ có thể chạm vào hoặc làm đổ nước và bị bỏng.
Hít thở tinh dầu để xoa dịu: Cách này có thể giúp trẻ thấy dễ thở hơn. Thay vì bôi dầu trực tiếp lên da, nguy cơ bỏng rát cao, cha mẹ có thể mua đèn xông tinh dầu, cho vài giọt vào đèn để trẻ hít mùi thơm từ tinh dầu.
Rửa mũi: Rửa mũi giúp giảm nhanh tình trạng nghẹt mũi. Dung dịch nước muối tiệt trùng giúp loại bỏ vi trùng và chất nhầy bịt kín trong xoang. Cha mẹ có thể cho con đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng hoặc mua dụng cụ hút mũi chuyên dụng để hút mũi, rửa mũi cho trẻ.
Đắp khăn ấm lên mũi: Phụ huynh cũng có thể cho trẻ nằm trên giường, đắp khăn ấm lên mũi và má, cách này giúp làm ấm xoang, loãng chất nhầy. Bạn nên chuẩn bị 2 chiếc khăn mỏng, mềm. Ngâm khăn vào nước ấm, vắt sạch nước và đắp lên toàn bộ vùng mũi trẻ. Đổi sang khăn khác khi hết ấm; lặp lại động tác này liên tục trong vòng 15-20 phút.
Cải thiện chế độ ăn uống và thói quen ăn uống của trẻ: Một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng cho phép cơ thể xây dựng hệ thống phòng thủ miễn dịch tốt nhất. Trong thời gian trẻ ốm, bạn nên đảm bảo con uống nhiều chất lỏng. Chất lỏng không chỉ hỗ trợ hệ thống miễn dịch mà còn giữ cho các xoang của trẻ được bôi trơn, khuyến khích trẻ uống nước trong bữa sáng, sau giờ học ở lớp và trong bữa trưa. Sữa có thể làm tăng sản xuất chất nhầy và làm cho bệnh viêm xoang ở trẻ nặng hơn. Thay vì cho trẻ uống sữa, cha mẹ có thể thay thế các loại sữa không làm từ sữa như sữa hạnh nhân, hạt điều hoặc sữa yến mạch.
Nếu đã áp dụng nhiều biện pháp tại nhà nhưng tình trạng nhiễm trùng xoang không cải thiện, bạn nên cho trẻ đi khám. Nếu cơn đau xoang của trẻ kèm theo sốt và chảy mủ trong vài ngày, đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe xấu cần được điều trị bằng kháng sinh.
Anh Chi (Theo Everyday Health)