Theo BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao ở phụ nữ mang thai, thường phát triển từ tuần thai 24-28. Nếu không phát hiện sớm, kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.
Thai to
Tăng đường huyết xảy ra ở giai đoạn giữa và cuối thai kỳ làm tăng nồng độ axit amin, axit béo trong máu mẹ, dẫn đến cung cấp quá nhiều dinh dưỡng cho con qua nhau thai. Điều này kích thích tế bào tuyến tụy của thai nhi tiết nhiều insulin, gây ra sự phát triển quá mức các mô mỡ, gan, tim, khiến thai tăng trưởng nhanh. Thai to, ước tính cân nặng 4 kg trở lên, có nhiều khả năng bị chấn thương trong khi sinh như gãy xương đòn, ngạt... Trường hợp thai quá lớn, bác sĩ thường chỉ định mẹ bầu sinh mổ.
Sinh non
Người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ làm tăng đường huyết ở thai nhi, kích thích thận thai nhi sản xuất nhiều nước tiểu hơn để loại bỏ đường dư thừa, làm tăng lượng nước ối. Đa ối tạo áp lực khiến cổ tử cung giãn sớm, co thắt cổ tử cung, nguy cơ vỡ ối và chuyển dạ sớm.
Trẻ sinh non nhiều khả năng bị suy hô hấp, hạ canxi máu ngay sau sinh, dẫn đến co giật hoặc vấn đề sức khỏe lâu dài. Cho trẻ bú ngay hoặc truyền dịch glucose tĩnh mạch đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường. Trường hợp mẹ bầu không kiểm soát rối loạn đường huyết, trẻ sơ sinh có nguy cơ đa hồng cầu, vàng da sơ sinh, dị tật bẩm sinh hoặc mắc bệnh béo phì, đái tháo đường type 2 khi trưởng thành.
Thai lưu
Lượng đường dư thừa trong máu thai phụ kích thích tuyến tụy của thai nhi sản xuất nhiều insulin hơn để điều chỉnh đường huyết. Nồng độ insulin cao làm tích tụ chất béo, có thể tăng tỷ lệ biến chứng dẫn đến lưu thai. Nồng độ glucose cao cũng làm cho các mạch máu nhỏ trong nhau thai bị tổn thương, gây suy nhau thai. Tình trạng này có thể khiến thai nhi không nhận đủ dinh dưỡng và oxy từ mẹ, nguy cơ thai chết lưu.
Tăng huyết áp và tiền sản giật
Đây là biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng thai phụ và thai nhi. Rối loạn đường huyết là yếu tố nguy cơ chính làm tăng huyết áp ở thai phụ. Đường huyết cao gây viêm, mất cân bằng cytokine, dẫn đến tổn thương mạch máu nhau thai, ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan thai nhi. Tiền sản giật tiến triển với biểu hiện suy gan, thận, đột quỵ, xuất huyết, suy hô hấp cấp do thiếu máu cục bộ, nhau bong non, chuyển dạ sớm.
Nhiễm trùng
Lượng đường trong máu cao tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, xâm nhập và gây nhiễm trùng đường tiết niệu của thai phụ. Vi khuẩn cũng có thể tiếp cận khoang ối, gây viêm màng ối, dẫn đến sinh non hoặc nhiễm trùng ối.
Đái tháo đường type 2 sau sinh
Thai phụ có lượng đường trong máu cao có nguy cơ gặp lại tình trạng này ở lần mang thai tiếp theo hoặc mắc bệnh đái tháo đường type 2 khi về già. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến cáo phụ nữ có tiền sử bệnh nên sàng lọc hội chứng không dung nạp glucose 6-12 tuần sau sinh, đánh giá tình trạng đường huyết tối thiểu ba năm một lần. Tập thể dục đều đặn, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giảm cân sau sinh... hỗ trợ cải thiện độ nhạy insulin, hạn chế khả năng mắc bệnh tim, rối loạn chuyển hóa.
Bác sĩ Hưng khuyên mẹ bầu khám thai định kỳ, theo dõi lượng đường trong máu để phát hiện sớm bất thường, điều trị kịp thời. Tuân thủ chế độ ăn cho người bị đái tháo đường thai kỳ, thường xuyên tập thể dục mức độ nhẹ hoặc trung bình 15-30 phút mỗi ngày để đảm bảo thai kỳ an toàn.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai, sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |