Trước đó, chị Hoa được bác sĩ ở phòng khám phát hiện tăng huyết áp. Đến tuần thai 26, chị nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Chỉ số huyết áp của chị 220/110 mmHg, trong người bình thường 120/80 mmHg. Bác sĩ chẩn đoán chị bị tiền sản giật, cần nhập viện theo dõi. Sau 24 giờ sử dụng thuốc điều trị, huyết áp không giảm, các chỉ số xét nghiệm protein niệu, xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận có dấu hiệu chuyển nặng. Bác sĩ mổ lấy thai để cứu hai mẹ con.
Bé gái chào đời nặng 900 g, được hồi sức ngay tại phòng mổ, thở oxy, sau đó chuyển về phòng hồi sức sơ sinh (NICU) nuôi dưỡng trong lồng ấp. Người mẹ được chăm sóc tích cực vì có dấu hiệu suy gan, thận, xuất viện sau một tuần. Bé nằm lồng kính, được chăm sóc tích cực. Sau 120 ngày điều trị, bé tăng cân, nặng 3 kg, xuất viện khỏe mạnh đầu tháng 9.
Còn chị Hà, 35 tuổi, mang thai con trai đầu lòng, từ tuần thai 26, thai nhi được theo dõi sát do nghi ngờ chậm tăng trưởng nặng trong tử cung. Đến tuần thai 31 thai ít cử động, kết quả siêu âm 1,1 kg, trong khi cân nặng bình thường ở tuổi thai này phải đạt từ 1,5 kg. Chị Hà được chỉ định mổ lấy thai sớm vì nguy cơ thai suy dinh dưỡng, có thể mất tim thai trong tử cung, lưu thai. Hiện bé tiếp tục nuôi dưỡng tại Trung tâm Sơ sinh.
Trẻ sinh non khi tuổi thai lúc sinh trong khoảng 22-36 tuần. Tỷ lệ tử vong rất cao khi thai nhi dưới 28 tuần. Ngày 11/9, ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết trẻ sinh non do thai chậm tăng trưởng, thai phụ có biến chứng tiền sản giật hoặc các bệnh nặng suy gan, tim, thận, ung thư... không đủ điều kiện tiếp tục nuôi bé lớn hơn. Mỗi năm, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh điều trị trên 100 trường hợp sinh non. Trong đó, khoảng 10% trẻ sinh non do chỉ định y khoa.
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh cho biết buộc trẻ chào đời sớm là quyết định thách thức cho phía bác sĩ, gia đình. "Êkíp áp lực để cứu mẹ và con, cơ hội sống của những bé chào đời cực non tháng cũng mong manh", bác sĩ Phượng nói.
Trẻ sinh non cân nặng thấp, cơ quan chưa trưởng thành, hệ miễn dịch suy yếu, rối loạn thân nhiệt, tiêu hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần trong tương lai. Do đó, trước khi có chỉ định cho trẻ chào đời sớm chủ động, các bác sĩ phải hội chẩn lên kế hoạch sinh nở an toàn.
Trẻ sinh non có nguy cơ tử vong cao nhất là trong tuần đầu sau sinh, theo bác sĩ Phượng. Nếu vượt qua khoảng thời gian này, bé dễ mắc tổn thương thần kinh như bại não, chậm phát triển hoặc suy giảm trí tuệ, mù hoặc điếc. Để bảo vệ não trẻ, bác sĩ truyền magnesium sulfate cho thai phụ tiên lượng sẽ chuyển dạ sinh trong vòng 24 giờ hoặc mẹ có chỉ định mổ lấy thai sớm trước 32 tuần. Trẻ sinh non phổi chưa kịp trưởng thành, bác sĩ sản chỉ định tiêm thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi để có thể đáp ứng cuộc sống ngoài tử cung.
Bé chào đời được cấp cứu khẩn trong 60 phút đầu như kẹp rốn muộn, bọc trẻ trong túi nilon giữ ấm ngừa hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng ngừa nhiễm khuẩn. Trẻ được hỗ trợ hô hấp bằng kỹ thuật không xâm lấn (thở CPAP) liên tục từ phòng sinh đến phòng NICU (hồi sức sơ sinh).
Để giảm nguy cơ sinh non, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trước mang thai cần khám sức khỏe, điều trị bệnh nền ổn định, tiêm đủ vaccine dự phòng. Khi mang thai cần khám thai đầy đủ, bác sĩ đánh giá yếu tố nguy cơ sinh non. Mẹ bầu thuộc trường hợp nguy cơ cao sẽ được áp dụng các biện pháp dự phòng như dùng thuốc, đặt vòng nâng, khâu cổ tử cung, điều trị bệnh lý nội khoa.
Tuệ Diễm
10h, ngày 11/9, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Phòng ngừa và điều trị hiệu quả biến chứng nguy hiểm ở trẻ sinh non, cực non". Các bác sĩ tư vấn gồm TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM; ThS.BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh và BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Chương trình phát fanpage bệnh viện Tâm Anh và VnExpress. Độc giả gửi câu hỏi tại đây. |