Biến chứng liên quan do viêm phế quản cấp tính, mạn tính thường tiềm ẩn. Người bệnh nhận biết biểu hiện, thực hiện điều trị tại nhà có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe.
Biến chứng của viêm phế quản cấp tính
Viêm phế quản cấp tính thường xảy ra vào cuối đợt cảm lạnh hoặc cúm. Người bệnh có thể tiếp tục bị sốt nhẹ và ho, thay vì khỏi bệnh. Khoảng 90% trường hợp bệnh nhân bị viêm phế quản cấp tính do nhiễm virus.
Nhiễm trùng thứ cấp
Đây là biến chứng thường gặp sau đợt viêm phế quản cấp tính do virus, có thể kéo dài khiến bệnh lý trở nặng. Đường thở bị nhiễm khuẩn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vùng xoang, phổi dễ dàng. Sự tích tụ của vi khuẩn trong đường thở xảy ra khiến người bệnh mắc thêm bệnh lý nhiễm trùng thứ cấp tiềm ẩn như: nhiễm trùng tai giữa ở trẻ em, viêm xoang, viêm phổi, nhiễm trùng máu. Nhiễm virus cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch khiến vi khuẩn phát triển, sinh sôi.
Viêm phổi
Theo số liệu thống kê từ các nghiên cứu, viêm phổi là biến chứng phổ biến của viêm phế quản cấp do virus, xảy ra ở khoảng 5% bệnh nhân hô hấp. Biến chứng của bệnh lý thường gặp phải ở trẻ em từ 5 tuổi và người cao niên từ 65 tuổi.

Ho kéo dài hơn 3 tháng thường là dấu hiệu của các biến chứng từ bệnh viêm phế quản mạn tính. Ảnh: Freepik
Biến chứng của viêm phế quản mạn tính
Khó thở
Khó thở là biến chứng thường gặp phải ở bệnh nhân viêm phế quản mạn tính và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đáng kể. Người bệnh thường phải đối mặt với việc hít thở trong tình trạng không thoải mái, lo lắng quá mức. Theo nghiên cứu đăng trên Bio Med (Mỹ), việc quản lý chứng khó thở cần sự hỗ trợ từ một số phương pháp, như rèn thở bằng bụng, dùng thuốc hoặc oxy được chỉ định bởi bác sĩ, tập các bài tập cải thiện chức năng hô hấp... Bác sĩ trị liệu cũng có thể cùng bệnh nhân quản lý căng thẳng, lo lắng do biến chứng gây ra.
Ho ra máu
Biến chứng ho ra máu có thể xảy đến ở người bệnh viêm phế quản mạn và cấp tính, hoặc là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe khác. Nếu bạn bị ho ra máu, dù là lượng rất ít, vẫn nên cân nhắc tìm kiếm hỗ trợ cấp cứu y tế để điều trị.
Tràn khí màng phổi
Theo báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí y học JAMA (Mỹ), bệnh nhân gặp phải những thay đổi khí thũng trong phổi có nguy cơ mắc thêm biến chứng tràn khí màng phổi. Các triệu chứng của tràn khí màng phổi có thể thay đổi từ mức nhẹ đến mức độ nguy hiểm tính mạng; thường gây đau ngực một bên của cơ thể.
Cơn đau thường dữ dội, trầm trọng hơn khi hít thở sâu hoặc ho, có thể lan đến cánh tay hoặc vai (cơn đau gần vùng tim nhưng không phải do đau tim). Một số triệu chứng khác cũng có thể xảy ra như: khó thở, nhịp tim tăng cao, xanh xao hoặc có cảm giác vùng da ngực, da cổ có bọc bong bóng (chứng khí thũng dưới da).
Các triệu chứng của tràn khí màng phổi có thể cải thiện và khỏi trong vòng 24 giờ do đó người bệnh nên liên lạc với bác sĩ để được chăm sóc y tế sớm.
Suy hô hấp
Đây là một trong các biến chứng của viêm phế quản mạn tính, xảy ra khi phổi không cung cấp đủ oxy để cung cấp cho mô của cơ thể. Nếu không có đủ oxy, một số hệ thống cơ thể bị tổn thương, dễ dẫn đến tích tụ carbon dioxide trong máu. Nghiên cứu từ khoa y, đại học California cho thấy sự khởi phát đột ngột của suy hô hấp nặng có thể khiến một người bị tím tái ngón tay, môi hơi xanh hoặc trở nên bất tỉnh.
Thông thường, cơn suy hô hấp diễn tiến từ từ với các triệu chứng như: Khó thở, thở gấp, tim đập nhanh, suy giảm khả năng phán đoán sự việc. Người bệnh cũng có thể bị ngứa ran và nóng người; mệt mỏi nghiêm trọng và bị thiếu nhận thức về nhịp sinh hoạt hằng ngày.
Bệnh đường thở phản ứng
Bệnh đường thở phản ứng (RAD) xảy ra khi đường thở thu hẹp lại sau khi phản ứng với chất kích thích (khói, nhiễm trùng...).
Chứng Cor Pulmonale
Bên cạnh đó, bệnh nhân viêm phế quản mạn tính có thể phải đối mặt với biến chứng Cor Pulmonale (liên đới đến sức khỏe tim mạch) hoặc chứng đa hồng cầu. Biến chứng Cor Pulmonale có thể gây rối loạn nhịp tim khiến người bệnh có thể bị ho, khó thở hoặc bị phù nề các chi, mạch máu vùng cổ giãn nở, sưng bụng, tức ngực... Trường hợp biến chứng nặng, người bệnh có thể bị ngất xỉu.
Biến chứng đa hồng cầu
Đối với biến chứng đa hồng cầu, cơ thể bệnh nhân có thể bị giảm lưu lượng máu đến não hoặc hình thành cục máu đông. Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, ù tai, huyết áp cao... là một số triệu chứng phổ biến để nhận biết biến chứng trong trường hợp này.
Khí phế thũng
Đây là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có thể xảy đến khi người bệnh hút thuốc, lỡ tiếp xúc với chất kích thích đường thở... Tuy bệnh lý được chẩn đoán tên khác nhau, COPD và chứng khí phế thũng ở bệnh nhân hô hấp do cùng yếu tố nguy cơ vừa để gây ra. Theo các thống kê y tế đăng trên Science Direct, có khoảng một nửa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc COPD bị viêm phế quản và khí phế thũng. Tránh hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc, chăm sóc tốt hệ hô hấp... là một số cách đơn giản giúp giảm các biến chứng, phòng bệnh lý trở nặng.
Các chuyên gia y tế gợi ý người bệnh có thể chủ động đo phế dung kế hằng ngày để kiểm tra chức năng phổi. Nếu cảm thấy sức khỏe có vấn đề, bạn nên chủ động thăm khám với bác sĩ. Chuyên gia có thể giúp bệnh nhân đánh giá mức độ bệnh lý hô hấp như đo lường mức độ khó thở, chỉ số khối cơ thể...
Mai Trinh
(Theo Very Well Health)