BS.CKI Trịnh Hoàng Quốc Toàn, khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8, cho biết đau hoặc khó chịu vùng chậu thường không nguy hiểm. Nguyên nhân là do thay đổi hormone trong cơ thể thai phụ, áp lực từ thai nhi, thay đổi tư thế hoặc căng cơ. Những cơn đau thường tập trung ở vùng khớp mu, bẹn hoặc lưng dưới, âm ỉ hoặc đau nhói khi di chuyển, đứng lâu hoặc thay đổi tư thế và giảm khi nghỉ ngơi.
Nếu tình trạng nhẹ và không đi kèm các triệu chứng khác thì thai phụ không cần lo lắng. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm.
Tiền sản giật
Tiền sản giật thường diễn tiến âm ỉ ở vùng chậu hoặc vùng bụng trên, đi kèm đau đầu dữ dội, mờ mắt hoặc buồn nôn, huyết áp cao, sưng phù tay chân mặt, tăng cân không rõ lý do. Bệnh có thể gây sản giật, hội chứng HELLP (tan máu, tăng men gan, giảm tiểu cầu), suy thận, phù phổi hoặc đột quỵ. Thai nhi có thể chậm phát triển trong tử cung do giảm lượng máu, sinh non hoặc thai lưu.
Nhau bong non
Triệu chứng nhau bong non có thể đột ngột, dữ dội, cảm giác căng tức ở bụng dưới, kèm chảy máu âm đạo, co thắt tử cung liên tục không giảm, thai nhi cử động giảm hoặc mất cử động. Đây là tình trạng khẩn cấp, có nguy cơ đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi. Nếu không được xử lý kịp thời gây biến chứng xuất huyết nặng dẫn đến sốc, suy nội tạng, tử vong. Thai nhi có thể bị suy hoặc chết lưu do thiếu oxy, sinh non hoặc tử vong ngay sau sinh.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Cơn đau hoặc cảm giác tức ở vùng chậu có thể lan xuống lưng dưới kèm cảm giác muốn đi vệ sinh gấp. Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu không điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, sinh non hoặc vỡ ối sớm do vi khuẩn ảnh hưởng đến màng ối. Trẻ sinh ra sẽ nhẹ cân và tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn sau sinh.
Viêm khớp vùng chậu
Thai phụ thường cảm thấy đau nhói ở vùng mu, bẹn hoặc khớp chậu, nhất là khi đi bộ, đứng lâu, xoay người hoặc leo cầu thang, sau đó lan ra lưng dưới, mông hoặc đùi. Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng hạn chế vận động ngay cả sau sinh đồng thời tăng nguy cơ phải sinh mổ nếu khớp chậu mất ổn định.
Viêm ruột thừa
Những cơn đau diễn tiến âm ỉ ở vùng bụng dưới bên phải, tăng khi ho, cử động mạnh kèm sốt nhẹ, buồn nôn, táo bón... là dấu hiệu cảnh báo viêm ruột thừa. Người bệnh cần được xử lý nhanh chóng để tránh nguy cơ vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc (nhiễm trùng lan rộng trong ổ bụng), có thể dẫn đến nhiễm trùng máu hoặc tử vong. Bệnh dễ gây biến chứng như suy thai hoặc sốc nhiễm trùng thai, tăng nguy cơ sinh non hoặc thai lưu.
Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung thường xảy ra trong ba tháng đầu với cơn đau nhói ở một bên vùng chậu hoặc bụng dưới, có thể đi kèm chảy máu âm đạo bất thường, chóng mặt, ngất xỉu, tụt huyết áp. Đây là trường hợp cấp cứu, cần can thiệp khẩn cấp, tránh vỡ ống dẫn trứng gây xuất huyết nội nghiêm trọng, đe dọa tính mạng thai phụ. Thai nhi không có khả năng sống sót vì phôi thai không thể phát triển bên ngoài tử cung.
Bác sĩ Toàn khuyến cáo thai phụ có cơn đau vùng chậu nghiêm trọng, kéo dài hoặc đi kèm các triệu chứng bất thường, cảm thấy khó chịu nên đến bệnh viện kiểm tra.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |