Chị Trinh bị hư hại hoàn toàn chỏm xương đùi, chỉ còn lại cổ xương đùi. Trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, cổ xương đùi không ngừng va chạm và khoét rộng ổ cối, gây mất xương ổ cối nghiêm trọng. Hơn hai năm gần đây, người bệnh không thể đi lại, phải ngồi xe lăn.
Ngày 3/8, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Trinh đồng mắc nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. "Đây là trường hợp phức tạp và ít gặp, bệnh viện chưa từng tiếp nhận ca tương tự", bác sĩ Khoa nói.
ThS.BS Nguyễn Thị Thùy Linh, khoa Nội cơ xương khớp, cho hay chị Trinh bị xơ gan Wilson - bệnh di truyền ít gặp với tỷ lệ mắc là 1/30.000 người. Bệnh làm giảm mạnh lượng tiểu cầu trong máu, chỉ còn khoảng 60.000, trong khi một cuộc đại phẫu như thay khớp háng cần đến 150.000 tiểu cầu. Thiếu hụt tiểu cầu làm tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng khó đông máu, có thể dẫn đến mất máu trong và sau mổ.
Chị còn có nhóm máu B Rh- rất hiếm. Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh- (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số.
Ê kíp phẫu thuật hội chẩn đa chuyên khoa gồm chấn thương chỉnh hình, nội cơ xương khớp, truyền máu huyết học, gây mê hồi sức... nhằm điều trị hiệu quả, an toàn cao nhất cho người bệnh.
Trung tâm Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM lên kế hoạch tìm kiếm nguồn cung cấp máu cho người bệnh nhưng không thành. Do đó, kế hoạch phẫu thuật lần đầu tiên không thể thực hiện, chị Trinh phải xuất viện chờ đợi. Sau 15 ngày nỗ lực tìm kiếm và được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương giúp đỡ, ê kíp chuẩn bị được hai đơn vị tiểu cầu và một đơn vị hồng cầu lắng. Ca phẫu thuật được tiến hành ngay hôm sau.
Bệnh Wilson khiến cơ thể không giải phóng đồng vào mật như bình thường mà tích tụ lại trong gan, gây xơ gan. Tình trạng này buộc bác sĩ phải gây tê tủy sống thay vì gây mê, tránh nguy cơ não gan - biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Sử dụng thuốc sau phẫu thuật cũng được lên kế hoạch chi tiết và cẩn thận.
Chị Trinh béo phì nặng, cao 1,5 m, cân nặng 80 kg, gây khó khăn cho bác sĩ khi tiếp cận khớp háng, có thể làm chậm quá trình lành vết thương và giảm tuổi thọ của khớp nhân tạo.
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay khớp háng bằng kỹ thuật mổ không cắt cơ ABMS (Anterior Based Muscle Sparing) giúp bảo tồn nguyên vẹn các cơ xung quanh khớp, hạn chế tối đa tổn thương mô mềm, ít mất máu nhất có thể. Nhờ đó, người bệnh tránh được nguy cơ trật khớp và tổn thương dây thần kinh, liệt.
Phần khuyết hổng ở ổ cối quá lớn nhưng không thể lấy xương ở vị trí khác bù vào vì sẽ gây mất máu. Do đó, thông qua đo đạc và tính toán trên phần mềm TraumaCad, bác sĩ Khoa thay khớp háng nhân tạo kỹ thuật Jumbo Cup với đường mổ ABMS. Jumbo Cup là kỹ thuật thay loại khớp đặc biệt, có ổ cối to hơn so với ổ cối tự nhiên của người bệnh, bao phủ toàn bộ phần ổ cối đã mất xương. Ổ cối to còn giúp tản lực tốt, người bệnh có thể sớm tập phục hồi chức năng và tăng tuổi thọ khớp nhân tạo.
Ngày đầu sau phẫu thuật, người bệnh giảm đau đáng kể, bắt đầu đi lại và tập vật lý trị liệu. Dự kiến sau một tháng, chị có thể đi lại bình thường, không cần dụng cụ hỗ trợ. Sau phẫu thuật, chị tiếp tục được theo dõi, điều trị bệnh xơ gan và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để kiểm soát tình trạng béo phì.
Bác sĩ Khoa cho biết hoại tử chỏm xương đùi dù không phải là tình trạng khẩn cấp nhưng gây đau, giảm khả năng vận động và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh nên đến các đơn vị có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để điều trị sớm, nhất là khi có nhiều bệnh lý đi kèm.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |