Theo TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng BVĐK Tâm Anh Hà Nội, buổi sáng là thời điểm nhiệt độ giảm sâu do không khí lạnh ban đêm còn sót lại. Đây cũng là lúc dễ nhiễm lạnh khi nhiều người thường ra ngoài đi làm, đi học.
Ngoài việc mặc quần áo ấm, đeo khẩu trang, găng tay, tất chân đầy đủ, bữa sáng cũng rất quan trọng để giúp cơ thể ấm lên từ bên trong. Bác sĩ Thanh cho biết bữa sáng nên ăn no, không nên nhịn ăn vì sẽ khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, tạo cảm giác lạnh hơn. Các món ăn nên ấm nóng, không ăn đồ ăn nguội lạnh. Dưới đây là một số món ăn tính nóng có tác dụng làm ấm cơ thể nhanh chóng và tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các bệnh hô hấp mùa lạnh.
Khoai lang
Khoai lang và các loại củ nói chung như cà rốt, củ dền, củ cải... cần nhiều thời gian để chuyển hóa, do đó sinh nhiệt tốt hơn, giúp cơ thể có cảm giác ấm lâu. Trong khoai lang chứa lượng lớn vitamin C, vitamin A, kali và chất xơ, magie rất tốt cho hệ tiêu hóa và thị lực, cơ bắp. Đặc biệt khoai lang mật cung cấp dồi dào lượng beta-caroten giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.
Khoai lang có thể hấp, luộc hoặc nướng đều tốt cho sức khỏe, nên ăn ngay khi còn nóng để giữ ấm tốt hơn.
Trái cây
Trời lạnh, nhiều người có xu hướng ít ăn trái cây, đặc biệt là trái cây có múi như cam, quýt, bưởi vì sợ ho và cảm lạnh. Tuy nhiên thực tế, trái cây có múi rất giàu vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ làm giảm triệu chứng cảm lạnh.
Ngoài ra, chuối cũng là trái cây giữ ấm tốt trong mùa đông. Vitamin B và Magie trong chuối giúp tuyến giáp và tuyến thượng thận hoạt động tốt hơn, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể trong thời tiết lạnh.
Ngũ cốc
Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, kê, kiều mạch, hạt diêm mạch chứa nhiều năng lượng, protein, cám và chất xơ, quá trình tiêu hóa diễn ra từ từ, nhờ đó giải phóng năng lượng làm ấm cơ thể. Ngũ cốc còn cung cấp vitamin D, kẽm tăng cường miễn dịch, phòng chống loãng xương vào mùa đông, giúp trái tim hoạt động tốt. Có thể ăn ngũ cốc cùng với sữa chua, trái cây, mật ong để cung cấp đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng.
Cà phê
Caffeine trong cà phê giúp tăng sự trao đổi chất, kích hoạt quá trình sinh nhiệt. Do đó uống một cốc cà phê buổi sáng giúp cơ thể cảm thấy ấm hơn, bên cạnh việc cải thiện tâm trạng và chức năng của não bộ. Tuy nhiên, lưu ý không uống quá 2 cốc cà phê một ngày. Những người không uống được cà phê có thể thử trà xanh vì cũng chứa nhiều caffeine.
Trà gừng
Gừng chứa gingerol và shogaol có khả năng sinh nhiệt, giúp cơ thể ấm áp hơn. Bữa sáng với một tách trà gừng nóng không chỉ làm ấm người nhanh chóng mà còn cải thiện hệ tiêu hóa, ngừa cảm lạnh, cảm cúm. Nghiên cứu tại Nhật Bản, phát hiện phụ nữ bị cảm lạnh sử dụng đồ uống có chứa chiết xuất trà gừng giúp tăng thân nhiệt ở lòng bàn tay, chân. Cụ thể, sau 10 phút uống nước gừng, nhiệt độ lòng bàn tay tăng 3,2 độ C và tiếp tục tăng đến 20 phút nếu ăn gừng.
Hoài Phạm