Chị Loan đau ở vùng bụng trên rốn thi thoảng lan ra sau lưng, đau nhiều hơn khi ngồi và có thể sờ thấy khối u to ở mạn sườn. Gần đây, đau nhiều, mệt mỏi, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, kết quả chụp MRI cho thấy một khối tổn thương choán chỗ nằm sát mặt dưới thân - đuôi tụy, tiếp xúc thân tụy, kích thước 6,7x7,5x9,2 cm.
Người bệnh được xét nghiệm máu, siêu âm nội soi lấy dịch để kiểm tra nang tụy lành hay ác tính. Nang tụy là các túi chứa chất lỏng phát triển ở trên hay trong tuyến tụy.
Ngày 11/7, BS.CKII Võ Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết nang lớn nên chị Loan cần phẫu thuật để giải quyết tình trạng đau và phòng ngừa các biến chứng. Đánh giá ban đầu nang nằm ở vị trí khó nên phẫu thuật phức tạp, có khả năng phải cắt từ giữa thân tụy đến đuôi tụy, cắt lách và đoạn ruột vì những bộ phận này dính vào nhau. Trường hợp nang mạc treo, nang tách biệt với các bộ phận khác, phẫu thuật dễ dàng, không cần can thiệp các cơ quan lân cận.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ ghi nhận gan hồng trơn láng, không dịch bụng bất thường, u dạng nang xuất phát từ mặt dưới thân tụy, nằm ở vùng bụng trái 15x10 cm, dính nhẹ phần phúc mạc, không dính bó lách và mô lách. Bác sĩ tách khối u ra khỏi các mô xung quanh, sau đó cắt u ra khỏi mô tụy dễ dàng, không ảnh hưởng đến các cơ quan khác như ruột và lách, bệnh nhân mất máu ít.
Hậu phẫu, chị Loan hồi phục tốt, không còn đau bụng, ăn uống ngon miệng, đi lại bình thường và xuất viện sau 5 ngày.
Có hai loại nang gồm nang tụy và nang giả tụy. Nang tụy là những nang thật, được lót một lớp tế bào đặc biệt chịu trách nhiệm cho chất lỏng tiết ra tạo thành nang. Nang giả tụy là nang không chứa tế bào lót này, phát triển trong những khoang hay khoảng trống của tụy, được bao quanh bằng những mô sợi, không có biểu mô.
Nang tụy thường là tổn thương lành tính nhưng số ít vẫn có thể tiến triển thành ác tính. Nang tụy ít biểu hiện triệu chứng nên thường được phát hiện khi siêu âm tụy hay chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng bụng. Triệu chứng có thể gặp như buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng dai dẳng, chán ăn, sụt cân, sưng ở vùng bụng trên, chạm thấy khối u vùng thượng vị (trên rốn).
Hiện, nguyên nhân hình thành nang tụy vẫn chưa xác định chính xác. Các yếu tố như bệnh lý di truyền Von Hippel-Lindau (dạng rối loạn di truyền ảnh hưởng tới não, tuyến thượng thận, thận, tuyến tụy), bệnh thận đa nang... làm tăng nguy cơ phát triển nang tụy.
Bác sĩ chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào tính chất, vị trí, kích thước, đặc điểm và triệu chứng của nang. Trường hợp nang lành tính, kích thước nhỏ dưới 2 cm, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe có thể theo dõi, đánh giá hàng năm qua siêu âm nội soi, chọc dò để tầm soát nguy cơ gây ung thư. Nếu nang lớn hơn 2 cm và gây ra các triệu chứng dai dẳng, cản trở tuyến tụy hoặc tuyến mật, bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ.
Nang lớn có nguy cơ vỡ, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, xuất huyết tràn lan, nang tụy có thể gây tắc ruột, tắc mật... cũng cần phẫu thuật. Bên cạnh khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ Bích khuyến nghị người có dấu hiệu hay phát hiện nang tụy đi khám sớm và tuân thủ lịch tầm soát của bác sĩ.
Quyên Phan
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |