Thêm một lần nữa, người Thái đã trở thành cơn ác mộng của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã để thua 0-2 trong trận lượt đi, nhưng rồi cũng như năm 2007, tuy rất nỗ lực không thể ghi bàn vào lưới đối thủ trong trận lượt về, và chịu thua chung cuộc. Lại thêm một lần chúng ta đứng dưới cái bóng của người Thái ở giải đấu lớn nhất khu vực. Trận thua Thái Lan không chỉ biến Việt Nam trở thành cựu vương AFF Cup, mà nhìn sâu xa hơn, kết quả này còn bộc lộ rất nhiều vấn đề của bóng đá nước nhà.
Thứ nhất, tâm lý và bản lĩnh của đội tuyển đang rất bất ổn. Phải nói rằng, chất lượng cầu thủ Việt không hề tệ chút nào khi so với người Thái. Nhiều cái tên thậm chí còn thi đấu nổi bật hơn như Quang Hải, Hoàng Đức hay thủ thành Nguyên Mạnh. Thế nhưng, những gì diễn ra trên sân cho thấy, chúng ta vẫn bị một chút gì đó thua kém về tâm lý và bản lĩnh thi đấu, so với đối thủ.
Điều này được thể hiện rõ ngay từ trận gặp Campuchia ở vòng bảng. Những phút cuối, chúng ta xua quân lên tấn công hòng tìm kiếm bàn thắng thứ năm nhưng cuối cùng không thể ghi thêm bàn nào. Vẻ mặt thất thần của thầy trò HLV Park sau trận cho thấy chúng ta chưa sẵn sàng để gặp Thái Lan – "ông kẹ" trong khu vực, một cách quá sớm.
Và cũng có thể vì vậy, mà ngay từ khi nhập cuộc ở trận Bán kết lượt đi, chúng ta đã bị cóng trước lối đá nhanh của người Thái, để rồi dẫn đến sai lầm của Hồng Duy và bàn thắng bước ngoặt của đội tuyển Thái Lan. Bàn thua thứ hai đến sau đó như một điều tất yếu sau một tình huống ban bật đẹp mắt của đối thủ. Hai bàn thắng cùng nhiều pha tiểu xảo của người Thái và các quyết định có phần bất công của trọng tài đã làm ức chế thêm tâm lý của nhiều cầu thủ Việt Nam.
Những nỗ lực trong ba hiệp đấu còn lại của cả hai lượt trận là không đủ để chúng ta tạo ra bất ngờ, khi mà tâm lý của các cầu thủ không được tốt. Trong nhiều tình huống bóng, có cảm giác cầu thủ của chúng ta quá cuống, vội vàng, nôn nóng và thiếu đi sự điềm tĩnh cần thiết trong việc tìm bàn gỡ. Những nỗ lực cá nhân của Quang Hải – cầu thủ xuất sắc nhất đội tuyển lúc này – cũng không đủ để kéo cả một đội tuyển đang gặp những bất ổn.
Trong hiệp hai của trận lượt về, khi thể lực và tinh thần đội tuyển có dấu hiệu đi xuống, chúng ta buộc phải sử dụng quá nhiều đường bóng dài, thể hiện rõ tâm lý "cầu may", gần như chấp nhận buông xuôi và thất bại chung cuộc trước người Thái. Rõ ràng, tâm lý và bản lĩnh thi đấu của cả đội tuyển là một vấn đề lớn, nó là căn bệnh cũ, tồn tại từ năm này qua năm khác. Mỗi khi chạm trán Thái Lan hay bất kỳ đối thủ mạnh hoặc ngang cơ ta trong những trận đấu có tính chất quan trọng ở một giải chính thức, thì ta luôn bị mắc phải. Trải qua nhiều đời huấn luyện viên, từ nội đến ngoại, nhưng bóng đá Việt vẫn không giải quyết nổi.
Bản lĩnh thiếu thì làm sao có thể làm nên chuyện? Bài học Malaysia năm 2010, 2014 hay Myanmar năm 2015, Indonesia năm 2016 vẫn còn đó, nhưng có lẽ chúng ta chưa thể thấm nhuần được. Đội tuyển có thể thi đấu với một tinh thần thép như với Iraq, Qatar, hay như hiệp một trận Bán kết lượt về với người Thái thôi, nhưng chừng đó là chưa đủ. Quan trọng nhất vẫn là giữ cho mình cái tâm thế sẵn sàng đánh bại bất cứ đối thủ nào, với cái đầu lạnh và một trái tim nóng trên sân.
>> Việt Nam cần đá với Thái Lan bằng 'tâm thế ông kẹ'
Thứ hai, Việt Nam không có lứa cầu thủ kế cận xứng đáng. Câu nói của cố HLV Alfred Riedl: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc", quả thật cho đến bây giờ vẫn rất đúng với thực tiễn bóng đá nước nhà. Chúng ta vẫn còn tâm lý nặng thành tích, có chút tự mãn vì những thành công vang dội trong một vài năm vừa qua. Giành được thành tích tốt đã khó, nhưng bảo vệ nó còn khó hơn rất nhiều. Trái bóng tròn vẫn lăn và các đối thủ khác càng ngày càng mạnh, họ luôn cố gắng tìm ra những điểm để khắc chế lối chơi của chúng ta.
Vì vậy, làm mới và có sự kế thừa trong đội tuyển là điều bắt buộc phải có ở mỗi nền bóng đá. Công tác đào tạo trẻ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và phát triển cả một nền bóng đá. Một lứa cầu thủ thành công có thể nâng cao vị thế trong ngắn hạn, nhưng chất lượng đào tạo trẻ tốt và có nền móng vững vàng sẽ đưa cả nền bóng đá tiến xa về dài hạn.
Trước giải đấu năm nay, Hùng Dũng chấn thương và bỏ lỡ vòng loại World Cup, sau đó đến lượt Trọng Hoàng, Văn Hậu, cũng phải làm bạn với giường bệnh. Nhưng gần như chúng ta không thể tìm ra phương án thay thế xứng đáng cho những tuyển thủ trên. Mặc dù ông Park đã thử nghiệm nhiều phương án khác nhau, nhưng hầu hết đều không thực sự có hiệu quả. Phần lớn các phương án thay thế như Thành Chung, Văn Thanh... đều chỉ chơi ở mức tròn vai, chưa thực sự tạo ra điểm nhấn.
Lứa kế cận của những Quang Hải, Công Phượng, Hùng Dũng... sẽ tham dự SEA Games 31 sắp tới ở Việt Nam, chỉ có Hoàng Đức là nổi bật nhất. Nhìn cái cách U18 Việt Nam thua Campuchia năm 2019, hay sự trầy trật của U22 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á mới đây thôi, đã cho thấy rõ những hạn chế, sự thiếu hụt từ lớp cầu thủ kế cận cho đội tuyển quốc gia trong tương lai. Khi những Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Hậu, Đình Trọng... chấn thương hoặc quá tải, khi những Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng bước sang bên kia sườn dốc, thì ai sẽ là người thay thế họ? Câu hỏi này chỉ có những ai cầm, nắm các đội tuyển mới có câu trả lời rõ ràng nhất.
>> 'Thua Thái Lan không phải thảm họa'
Ở Việt Nam, những lò đào tạo trẻ truyền thống như Thanh Hoá, Sông Lam Nghệ An hay Hoàng Anh Gia Lai, cùng các học viện bóng đá mới nổi lên như PVF hay Nutifood... vẫn đang tiếp tục sản sinh ra những lứa cầu thủ khác cho bóng đá Việt Nam. Song, chỉ một vài cái tên kể trên là chưa đủ, vẫn cần phải có các cơ chế, chính sách thu hút, huy động thêm các mạnh thường quân, doanh nhân, tổ chức có tâm huyết với trái bóng tròn, tham gia đầu tư cho việc đào tạo bóng đá trẻ.
Các địa phương cũng cần phải dành sự quan tâm đúng mức cho thể dục, thể thao học đường nói chung và bóng đá học đường nói riêng, có đội ngũ theo dõi sát sao tiềm năng của các em, từ những trận bóng trên sân mini năm người hay bảy người vẫn được mở ở nhiều nơi trên cả nước. Chọn lọc và phát huy tiềm năng của lớp trẻ là việc làm rất quan trọng, vì nền bóng đá muốn mạnh thì việc tuyển lựa và đào tạo trẻ từ tuyến huyện, tuyến tỉnh phải thật tốt và bài bản.
Như ở các nước có nền bóng đá phát triển hơn ta, ngay trong châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc gần hơn như Thái Lan, nền bóng đá của họ vẫn đi trước chúng ta từ 10 đến 30 năm, nhờ hệ thống tuyển mộ và đào tạo bóng đá trẻ rất bài bản từ cấp cơ sở. Nhờ vậy, những lứa cầu thủ họ tạo ra đều rất có chất lượng, ít bị chênh lệch, sai số hay lên xuống về phong độ nhiều như cầu thủ Việt Nam - vốn ta vẫn hay nói vui là "chu kỳ 10 năm".
Do đó, nền bóng đá của ta (hay rộng hơn là cả nền thể thao) muốn bắt kịp dần với các nền bóng đá (thể thao) phát triển khác, thì hệ thống tuyển trạch và đào tạo trẻ phải thật bài bản, vững nền móng và tinh tường, ngay từ các tuyến dưới, từ chính bóng đá phong trào, thể dục phong trào, từ các sân mini phủi, để không còn cảnh bấu víu, dựa dẫm vào thành công của một, hai lứa cầu thủ nhất định nữa.
>> 'Việt Nam trả giá đắt vì HLV Park ngại xoay tua'
Thứ ba, chất lượng và tính chuyên nghiệp của giải vô địch quốc gia, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đây vẫn là vấn đề muôn thuở cửa bóng đá Việt Nam, khi V-League dù mang mác "chuyên nghiệp" từ lâu, song thực tế vẫn chưa hoàn toàn "chuyên nghiệp" theo đúng nghĩa gốc của từ này. Giải vô địch quốc gia của ta vẫn bị nhiều chuyên gia đánh giá là kém cả giải bóng đá của nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...
Thể thức thay đổi liên tục, số đội tham dự vẫn không ổn định; tình trạng "bỏ giải"; một ông bầu nhiều đội bóng, "5 đánh 1"; một số đội bóng sống một phần từ ngân sách nhà nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá... gặp nhiều khó khăn tài chính; chuyện chuyên môn và công tác trọng tài; thượng tầng có vấn đề... vẫn là những điểm trừ cơ bản mà chúng ta vẫn chưa thể nào giải quyết được.
Bên cạnh đội tuyển quốc gia hay đào tạo trẻ thì giải bóng đá vô địch quốc gia cũng là một thước đo rất quan trọng để đánh giá sự phát triển của một nền bóng đá. Tuy nhiên, chất lượng V-League vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Giải đấu vẫn còn xuất hiện nhiều pha bóng thô bạo, phản cảm, phi thể thao (như cú triệt hạ của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng hồi tháng ba), chất lượng chuyên môn nhiều trận đấu vẫn còn không cao, tâm lý cầu thủ và ban huấn luyện không vững vàng (nhất là khi xuất hiện tình huống sai sót của trọng tài), tình trạng cổ động viên quá khích đốt pháo sáng... Đó là thực tế vẫn đang xảy ra.
Việc thay đổi thể thức, hoãn, hủy giải đấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chứng tỏ chúng ta vẫn còn bị động trong việc tính toán các phương án dự phòng. Giải vô địch quốc gia diễn ra liên tục cũng là một môi trường để các cầu thủ được cọ xát, thi đấu với nhau một cách thường xuyên, là kênh để các tuyển trạch viên và huấn luyện viên có thể theo dõi, xem giò cầu thủ, lựa chọn các nhân sự tốt nhất cho đội tuyển.
Việc cầu thủ bóng đá được thi đấu chuyên nghiệp thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ phong độ và trui rèn thể lực cho bản thân họ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu những sự lựa chọn về nhân sự cho đội tuyển, cũng như cảm giác bóng, cách chơi của một vài cầu thủ không được tốt, bên cạnh tâm lý và bản lĩnh thi đấu. Nhìn sang Thai League, ta thấy giải đấu đã chuyển sang thích ứng với lịch thi đấu mới từ tháng 9 đến tháng 4-5 như châu Âu từ khi bùng phát Covid-19, và vẫn đang tiếp tục triển khai trong năm nay. Bên cạnh đó, một số giải vô địch quốc gia trong khu vực cũng vẫn diễn ra bất chấp bối cảnh Covid-19 leo thang.
Có thể nhận thấy, chúng ta đã quá bị động trong việc tổ chức V-League và chưa có một kế hoạch hợp lý, bài bản, chuyên nghiệp. Để rồi quyết định hủy giải đấu một cách đáng tiếc, đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu của các câu lạc bộ và phong độ cầu thủ. Trong khi đó, cầu thủ Thái Lan hay Indonesia vẫn còn được thi đấu thường xuyên tại giải quốc nội, và là điều cốt lõi để họ đạt điểm rơi phong độ ở kỳ AFF Cup này (vượt qua Việt Nam tiến vào Chung kết).
>> 'Sự non nớt khiến tuyển Việt Nam thua Thái Lan'
Tựu trung lại, có nhiều lý do để cổ động viên Việt Nam biện minh cho thất bại của đội tuyển tại giải đấu lần này. Dẫu biết đội nào cũng có lúc thịnh, lúc suy, song không thể có độ vênh về phong độ và đẳng cấp ở những thời điểm khác nhau ở mức quá lớn như vậy được. Cầu thủ của chúng ta đã chiến đấu hết mình, rất quả cảm, song sức lực chỉ có vậy, cho dù trình độ không thua kém người Thái là bao. Vấn đề vẫn nằm ở bản lĩnh, tâm lý thi đấu, cũng như cách vận hành cả một hệ thống bóng đá, vẫn còn rất nhiều điểm cần phải cải thiện.
Sau thất này, đâu đó nổi lên những ý kiến đòi sa thải HLV Park. Cá nhân tôi cho rằng, việc này rất đơn giản, nhưng liệu còn ai phù hợp hơn để dẫn dắt đội tuyển trong dài hạn? Và những ai sẽ gánh trọng trách để nâng tầm bóng đá Việt? Đó mới là những câu hỏi lớn cần lời giải đáp. Bộ mặt của cả một nền bóng đá không phải chỉ là vài thành tích trong một giai đoạn nhất định (dăm ba năm), mà nó nằm ở cả hệ thống đào tạo trẻ và nhất là giải vô địch quốc gia. Đào tạo trẻ tốt, giải quốc nội chuyên nghiệp, mới là nền móng vững chắc để tạo ra thành công cho đội tuyển quốc gia, và ngược lại, thúc đẩy sự phát triển của cả một nền bóng đá cũng như vị thế của nó.
Vị thế của nền bóng đá Việt Nam vẫn còn thua xa người Thái, dù chúng ta đang hơn họ trên bảng xếp hạng FIFA. Trận thua Thái Lan ở bán kết AFF Cup lần này đã cho thấy rất rõ điều đó. Đây là tấm gương phản chiếu để chúng ta nhìn lại mình và có đường hướng phát triển tốt hơn, nhằm mục tiêu nâng tầm vị thế bóng đá Việt Nam trong tương lai. Một lứa cầu thủ thành công có thể nâng cao vị thế trong ngắn hạn, nhưng chất lượng đào tạo trẻ tốt và có nền móng vững vàng sẽ đưa cả nền bóng đá tiến xa về dài hạn. Mong người hâm mộ đừng quay lưng mà vẫn luôn ủng hộ đội tuyển, đừng tỏ thái độ vùi dập rồi vô tình kéo đội tuyển đi giật lùi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.