Xung quanh câu chuyện về "Sự mong manh ở V-League", độc giả The Human chỉ ra sự khác biệt cơ bản trong cách làm bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam và Thái Lan: "Còn rất lâu nữa bóng đá Việt mới bằng được Thái Lan về sự chuyên nghiệp. Người Thái có thể kinh doanh bóng đá một cách chuyên nghiệp, các CLB hoàn toàn tự sống khoẻ. Các CLB Thái Lan hoạt động bài bản và chuyên nghiệp hệt các đội bóng châu Âu: họ bán áo đấu, quà lưu niệm, hình nộm, gấu bông linh vật CLB, tạp chí, đồ ăn nhanh... tất cả đều gắn liền với tên CLB.
Trong khi đó, bóng đá Việt Nam mới chỉ bứt lên, nhỉnh hơn Thái Lan ở lứa tuổi U, một phần vì đối thủ bỏ qua các giải thuộc ĐNA để tập trung cho mục tiêu xa hơn là World Cup và khiến chúng ta ảo tưởng sức mạnh của mình. Với nền bóng đá nghiệp dư như hiện tại, với giải VĐQG thiếu chuyên nghiệp dù đã hoạt động gần 20 năm như hiện tại, còn lâu nữa chúng ta mới đạt tới trình độ thực sự của người Thái.
Chúng ta luôn tự hào là quốc gia hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nhưng thực sự chỉ là hư danh. Thực tế, người hâm mộ vẫn quay lưng với các CLB trong nước (khi không còn được miễn phí). Một phần vì các CLB tổ chức kém, làm ăn chộp giật, nửa vời; các doanh nghiệp cũng chỉ muốn đánh bóng tên tuổi một mùa giải rồi chạy mất tiêu... khiến người hâm mộ mất niềm tin. Nói chung, bóng đá Việt và các nhà tài trợ hiện tại không hề có mối quan hệ hữu ái nghề nghiệp, quan hệ của họ chỉ là qua đường. Bản thân các nhà tài trợ cũng chẳng quan tâm bóng đá, họ thấy thu hút được số lượng người xem là nhảy vào, rồi sau đó ra đi khi hết khả năng khai thác, làm gì có cam kết nào cho tương lai?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyên Phong chỉ ra những vấn đề của bóng đá Việt: "Từ câu chuyện bất bát của Quảng Ninh, ta nhận ra nhiều điều:
- Các CLB ở Việt Nam vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào các ông bầu. Ông bầu và kinh tế đi xuống hoặc không mặn mà là kinh phí duy trì đội bóng cũng phập phù theo ngay, kéo theo đó là thành tích của đội.
- Đội hình Quảng Ninh chất lượng, có HLV giỏi và sự quyết tâm lớn từ BHL và cầu thủ. Điều đó giải thích vì sao Quảng Ninh khó khăn từ mùa 2019, nhưng trong hai mùa 2019, 2020 họ vẫn đua vô địch V-League đến những vòng cuối. Nếu nhìn sang các đội bóng khác có tài chính dồi dào nhưng thành tích rõ ràng là kém hơn, mới thấy trình độ, sự quyết tâm của Quảng Ninh tốt đến thế nào.
- Quảng Ninh thiếu kinh phí đến mức phải cho mượn cầu thủ để đội khác trả lương hộ. Có lẽ, thời điểm hiện tại khó có đội nào khó khăn về kinh phí như Quảng Ninh".
>> Vì sao bóng đá Việt mãi không chịu lớn?
Nói về những thay đổi cần diễn ra để chuyên nghiệp hóa nền bóng đá Việt Nam, độc giả Tran khẳng định: "V-League và các CLB cần xây dựng một mô hình chung, quy chế hoạt động, có thể học hỏi từ các nước để làm sao cho phù hơp với nền kinh tế và thị trường trong nước. Không thể mang nguyên một kiểu mô hình nào đó áp dụng rập khuôn vào bóng đá Việt, rồi loay hoay để duy trì mùa nào biết mùa đó. Nếu không chúng ta sẽ mãi ở tình trạng báo động như hiện tại.
Tôi thắc mắc rằng tai sao mỗi CLB lại không thành lập kênh truyền thông riêng, có thu phí, vừa quảng bá hinh ảnh thương hiệu, vừa phục vụ người hâm mộ, CĐV trên mọi miền. Bóng đá là để phục khán giả và ngược lại, khán giả là người nuôi bóng đá, đó là nguồn lực chính. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh mức lương thưởng cầu thủ cho phù hơp với thu nhập của người Việt, áp dụng mức lương cho tất cả CLB V-League, hàng năm báo cáo tài chính với LĐBĐ. Cầu thủ nào có đóng góp nhiều sẽ được tăng lương, ai làm sai quy định trong hợp đồng sẽ bị xử lý...
Đăc biệt, hạn chế những bản hợp đồng 'trên trời' với những cầu thủ ngoại. Điều đó không những làm ngốn nhiều kinh phí trong quỹ lương mà còn làm đảo lộn mọi vấn đề từ chuyên môn đến cách tập luyện, thi đấu của cầu thủ Việt. Khi con người và xã hội chưa thể bỏ được sự ích kỷ và ganh đua thành tích, sự phụ thuộc vào ngoại binh sẽ là nguyên do kìm hãm chúng ta phát triển".
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.