Tôi không đồng quan điểm với tác giả bài viết "Tuyển Việt Nam 'chẳng có gì ngoài tinh thần'". Một số người cho rằng người bóng đá Thái Lan hơn Việt Nam về đẳng cấp, đánh giá tuyển Việt Nam hiện tại không phải là kết quả của một đường lối phát triển dài hơi, đúng đắn. Nhưng thực tế hơn chục năm qua, những lò đào tạo bóng đá trẻ ở trong nước phát triển mạnh mẽ, điều đó có ý nghĩa gì?
Sự thực là chúng ta đang có lứa cầu thủ tốt nhất, đồng đều nhất từ trước đến giờ, nhưng đó không phải thứ từ trên trời rơi xuống. Những Quang Hải, Tuấn Anh, Công Phượng, Hùng Dũng đều là thành quả của những lò đào tạo trẻ chất lượng đó thôi. Tôi dám tự tin khẳng định rằng, bóng đá Việt Nam đang đi đúng hướng, và hướng đi này là những gì nằm trong khả năng, điều kiện của VFF.
Cốt lõi của thành quả hôm nay đến từ việc đào tạo, giáo dục bài bản, tỉ mỉ và lâu dài. Điều này luôn đúng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, chứ không riêng gì bóng đá, thể thao. Không phải bóng đá Việt suốt hàng chục năm gần đây đã hiểu ra con đường đó sao? Cứ chia giai đoạn của Công Vinh, Việt Thắng hay Thành Lương, Văn Quyết trở về trước và từ lứa Công Phượng trở đi là rõ. Nếu những sự tiến bộ vượt bậc của thế hệ này không phải là kết quả của quá trình lâu dài, bền bỉ, đúng đắn, thì những thành tích mấy năm qua có được là do đâu?
Chúng ta ghi được bàn vào lưới những đội tuyển mạnh hơn ở châu lục như Saudi Arabia, UAE, Iraq, Hàn Quốc là do may mắn hay do những pha phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn, có chủ đích? Ngay cả việc cứ mỗi năm chúng ta lại phát hiện ra được những nhân tố mới cũng chính là thành quả xứng đáng chứ không phải may mắn như nhiều người chê bai. Sau đội hình đá chính ở Thường Châu 2018, chúng ta có Tiến Linh, năm nay Hoàng Đức đã vươn lên đẳng cấp cao, hay trường hợp khác biệt hơn là Hùng Dũng.
>> 'Giữ HLV Park để tránh vết xe đổ Thái Lan'
Các chuyên gia luôn có con mắt chuyên môn của họ, tôi cũng chung quan điểm rằng cái chúng ta thiếu là cả thể hình, thể lực và chiến thuật. Kỹ thuật cá nhân của cầu thủ Việt giờ rất tốt, trận đấu với Nhật Bản tại Mỹ Đình chính là một trong những minh chứng rõ nhất cho điều này. Lấy bóng trong chân Quang Hải, Hoàng Đức không phải dễ với ngay cả những ngôi sao châu lục. Nhưng chúng ta không có thân trên đủ mạnh mẽ để chịu va đập dẫn đến tranh cướp bóng thành công chưa nhiều, khi dẫn bóng mà bị đối phương kìm kẹp chặt cũng khó đứng vững để che chắn. Đó mới là vấn đề của cầu thủ Việt.
Để cải thiện điều này cùng chiến thuật thi đấu, nhất thiết phải làm được hai điều: nâng cao chất lượng giải bóng đá VĐQG V-League và xuất khẩu cầu thủ sang các nền bóng đá mạnh trên thế giới. Nâng tầm giải đấu chuyên nghiệp lớn nhất trong nước để HLV trưởng ĐTQG có thêm nhiều lựa chọn nhân sự, còn xuất khẩu cầu thủ ra thi đấu ở nước ngoài để họ làm quen với nhịp độ thi đấu nhanh, nâng khả năng xứ lý bóng, để chúng ta không phải nhận những bàn thua như trận đấu vừa qua.
Tôi từng theo dõi hành trình của Văn Hậu ở Hà Lan, dù chỉ thi đấu ở đội trẻ nhưng có thể thấy, trong các trận đấu được tham gia, đối phương luôn đi trước Hậu. Tuy chỉ ở nước ngoài một năm, nhưng tôi tin chắc chắn đó sẽ là những kinh nghiệm đáng quý, giúp cầu thủ học hỏi được mình cần phải làm gì để không còn có chuyện để đối thủ phản công đưa bóng đến cầu môn trong vòng có vỏn vẹn 10 giây.
Tất nhiên, chuyện cải thiện trình độ không phải là dễ dàng. Nhật Bản có hai, ba thập niên bùng nổ kinh tế sau chiến tranh thế giới, hỗ trợ đắc lực cho họ về tiềm lực tài chính, nuôi dưỡng nhân tài. Các nước Tây Á nhờ cách sinh hoạt, ăn uống khác biệt nên có thể hình cao to lợi thế. Còn Việt Nam ta tạng người vốn nhỏ bé, bất lợi, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nên không thể đòi hỏi như người ta, nhưng trên hết chúng ta vẫn đi đúng, ít nhất là về đường lối phát triển.
Tôi mong người hâm mộ nước nhà hãy suy nghĩ sâu sắc, phản biện hợp lý, phân tích rõ ràng, thay vì chỉ trích cầu thủ, đội tuyển sau mỗi trận thua. Tại sao vẫn những con người ấy, sau mỗi trận thắng, chúng ta lại không đưa ra bàn?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.