Nếu so với 20 năm trước, rõ ràng bóng đá Việt Nam đang có những tiến bộ vượt bậc, điển hình là chức vô địch AFF Cup và Huy chương Vàng SEA Games. Nhưng ở một khía cạnh khác, sự tiến bộ ấy có vẻ đã đạt đến đỉnh cao, không còn chỗ để phát triển nữa. Sở dĩ tôi nói như vậy là bởi bóng đá của ta vốn là bóng đá bán chuyên nghiệp. Trong khi đó, 11 đội tuyển còn lại góp mặt ở Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á đều là những quốc gia có nền bóng đá chuyên nghiệp.
Với trình độ như tuyển Việt Nam, việc vào được vòng này đã là một may mắn. Thực tế, ta chỉ vượt qua được Vòng loại thứ hai nhờ hơn hiệu số bàn thắng bại khi xét suất vé vớt. Nếu các đối thủ cùng bảng không phải hầu hết là các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, thì có lẽ ta có mong vượt qua được. Khi bản thân không thể giành vé bằng đường "cửa chính", rõ ràng hy vọng kiếm điểm ở vòng này là không hề đơn giản. Đã đi "cửa sau", chúng ta cũng không thể đòi hỏi đội tuyển phải đá ngang ngửa với các đối thủ, chưa nói giành điểm hay chiến thắng lại càng bất khả thi.
Bóng đá chuyên nghiệp là phải làm hài lòng khán giả và mang lại lợi nhuận cho các ông bầu đội bóng. Trong khi đó, nhìn lại bóng đá Việt bao năm qua, liệu nó đã mang lại lợi nhuận, làm hài lòng ông bầu nào chưa? Làm hài lòng khán giả lại càng không dễ vì người hâm mộ Việt rất khó tính, luôn đòi hỏi nhiều hơn nữa. Chính sự khó tính này đã đẩy bóng đá mang danh "chuyên nghiệp" của chúng ta chỉ đạt đến trình độ bán chuyên.
>> Tâm lý hài lòng dù tuyển Việt Nam toàn thua
Thắng thua là trách nhiệm và công việc của các huấn luyên viên. Khán giả văn minh sẽ chỉ muốn xem bóng đá đẹp, nơi mà các cầu thủ di chuyển liên tục với tốc độ nhanh, máu lửa, liên tiếp các pha bóng gay cấn, kịch tính, căng thẳng, quyết liệt và ít phạm lỗi (ít làm gián đoạn trận đấu). Chuyện CLB có vô địch hay không thường không ảnh hưởng nhiều đến cổ động viên, đó là chuyện của Huấn luyện viên trưởng. Ta có thể thấy, giỏi như HLV Mourinho, luôn dẫn dắt các CLB đạt thành tích tốt, nhưng cuối cùng vẫn bị sa thải vì triết lý nặng tính toán, hơn thua, hơn là đá đẹp. Điều đó sẽ làm phật ý các cổ động viên.
Người ta có HLV chuyên nghiệp, CLB chuyên nghiệp, trong khi ta còn tệ hơn nhiều. Một lối chơi thường thấy ở bóng đá Việt là cứ mỗi khi ghi được bàn thắng dẫn trước thì giảm tốc độ trận đấu, chuyền qua lại để câu giờ. Còn khi bị thủng lưới, cầu thủ thường cay cú, ăn thua, chơi xấu, thô bạo... Tất nhiên, không khán giả nào muốn bỏ tiền, bỏ thời gian để xem những trận đấu như thế.
Hãy nhìn các đội tuyển lớn ở châu Âu, họ tập trung, làm quen với nhau được bao nhiêu ngày trước khi thi đấu? Thông thường, các CLB chỉ thả người cho đội tuyển trước 10 ngày, tối đa là nửa tháng. Do đó, việc của các HLV trưởng đội tuyển quốc gia của họ là sắp xếp đội hình chiến thuật mà ông ta am hiểu nhất, với những cầu thủ giỏi nhất, phù hợp với đội hình ấy. Vào giải, HLV sẽ chỉ đạo lúc nào cần đá nhanh, khi nào cần đá chậm, lúc nào cần thay người, khi nào phải thay đổi vị trí chiến thuật...
>> 'Ảo tưởng sức mạnh tuyển Việt Nam sau những trận thua tối thiểu'
Còn việc của các cầu thủ là cố gắng thật nhanh để làm quen với phong cách của đồng đội, vào sân phối hợp với nhau ăn ý hơn... Với đội hình chiến thuật của HLV, chỉ cần nói sơ qua là cầu thủ biết phải làm thế nào. Đó mới là những cầu thủ chuyên nghiệp.
Trong khi đó, nhìn những HLV ngoại từng đến Việt Nam để dẫn dắt đội tuyển, tôi thấy rất thương họ vì phải làm thay phần việc của các đội bóng trong nước. Rất ít CLB Việt chịu bỏ phần lớn thời gian để tập thể lực cho cầu thủ. Họ thường chỉ đạo chiến thuật theo kiểu "cầm tay chỉ việc", cầu thủ nhiều khi còn không nắm được ý đồ chiến thuật được đưa ra. Chẳng có đội tuyển quốc gia nào tập trung "ăn dầm nằm dề" với nhau đến tận vài tháng như ở ta. Vậy mà khi vào giải, nhiều khi cầu thủ vẫn không hiểu ý nhau. Thế nên, thành tích của đội tuyển càng cao thì các HLV ngoại này càng vất vả, cực khổ.
Muốn đặt mục tiêu kiếm điểm ở Vòng ba này, chưa nói đến chuyện giành vé dự Vòng chung kết World Cup, trước hết chúng ta phải có một nền bóng đá chuyên nghiệp. Bằng không, thành công của đội tuyển sẽ chỉ dừng lại ở mức đứng đầu "ao làng" Đông Nam Á như hiện tại.
Lâm
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.