V-League lại vừa trải qua những giờ phút kinh hoàng với chiếc chân gãy rời của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng sau pha vào bóng ác ý của Ngô Hoàng Thịnh trọng trận đấu giữa Hà Nội và TP HCM. Kết quả chụp chiếu cho thấy tiền vệ của Hà Nội bị gãy một phần ba dưới xương cẳng chân phải. Anh gần như chắc chắn phải nghỉ thi đấu khoảng một năm.
Bóng đá thế giới cũng từng chứng kiến nhiều chấn thương nghiêm trọng tương tự với các cầu thủ chuyên nghiệp. Có thể kể đến như trường hợp Luke Shaw (Man Utd) với chân thương phải gặp hồi tháng 9/2015, sau pha cắt kéo nguy hiểm của Hector Moreno (PSV). Cầu thủ người Anh cũng được thông báo ngồi ngoài sáu tháng, nhưng rốt cuộc anh đã phải nghỉ thi đấu hết mùa giải. Tổng thời gian Luke Shaw vắng mặt là 288 ngày, bỏ lỡ 51 trận đấu cùng Quỷ đỏ.
Một cầu thủ khác cũng gặp bi kịch tương tự là Aaron Ramsey vào tháng 2/2010, trong trận đấu giữa Arsenal và Stoke City. Một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất lịch sử Premier League đã xảy ra khi Ramsey lĩnh trọn cú tắc bóng của Ryan Shawcross. Phần cổ chân của Ramsey biến dạng, Shawcross thậm chí bật khóc vì khiến đồng nghiệp chấn thương. Hậu quả, Ramsey nghỉ thi đấu hơn một năm nhưng sau đó trở lại sân cỏ thần kỳ.
Tuy nhiên không phải cầu thủ nào cũng có được may mắn như vậy, đó là trường hợp của Eduardo da Silva (Arsenal) năm 2008. Từng được đánh giá là chân sút triển vọng hàng đầu ở Arsenal và Premier League, tuy vậy, pha tắc bóng của Martin Taylor (Birmingham) đã phá hỏng sự nghiệp của Eduardo. Chân sút người Croatia nghỉ thi đấu gần một năm, sau đó chật vật tìm lại phong độ nhưng không thể tiếp tục phát triển và phải chia tay Arsenal trong sự tiếc nuối.
Thế nhưng, tôi tin rằng, không giải đấu bóng đá chuyên nghiệp nào trên thế giới chứng kiến nhiều pha đạp gãy ống đồng đồng nghiệp như ở Việt Nam. Năm 2012, Huy Hoàng (SLNA) từng có một cú vào bóng bằng cả hai chân với Samson (Hà Nội). Tuy nhiên Samson cũng không vừa, sau khi tránh được pha bóng, cầu thủ này đã mượn đà giơ gầm giày để khiến Huy Hoàng lên cáng.
Năm 2014, Đình Đồng (SLNA) cũng có pha vào bóng thô bạo làm gãy chân Anh Hùng (An Giang) khiến cầu thủ này phải nghỉ hơn một năm. Đình Đồng sau đó cũng bị cấm tất cả các hoạt động đá bóng tại Việt Nam đến hết năm đó, kèm khoản tiền phạt 20 triệu đồng và phải lo toàn bộ chi phí chữa trị cho đồng nghiệp.
Gần đây nhất là vụ việc xảy ra năm 2015, khi Quế Ngọc Hải (SLNA) đạp thẳng vào đầu gối Anh Khoa (Đà Nẵng). Trung vệ tuyển Việt Nam khi đó bị treo giò sáu tháng, và phải lo toàn bộ chi phí chữa trị. Tuy nhiên, hệ quả để lại là Anh Khoa vĩnh viễn không thể quay trở lại sân cỏ và buộc phải giải nghệ.
Và giờ, sau sáu năm, đến lượt Ngô Hoàng Thịnh (TP HCM) đạp gãy chân Quả bóng vàng 2019 Hùng Dũng (Hà Nội). Chưa biết hậu quả đến lại cho cá nhân Hùng Dũng sẽ tới mức nào, liệu anh có thể trở lại sân cỏ hay không, nhưng chắc chắn HLV Park Hang-seo sẽ không thể có sự phục vụ của cầu thủ này ở Vòng loại World Cup sắp tới. Đó sẽ là tổn thất cực kỳ lớn với đội tuyển Việt Nam.
Vậy sau tất cả, chúng ta thấy gì từ giải đấu chuyên nghiệp số 1 Việt Nam V-League? Sau hàng chục năm theo đuổi giấc mơ làm bóng đá chuyên nghiệp, tất cả những gì chúng ta có được dường như chỉ là cái tên gọi. Hãy nhìn vào hình ảnh thực tế mà các cầu thủ của chúng ta đang thể hiện trên sân, có gì ngoài những pha vào bóng triệt hạ đối thủ, những màn khiêu khích, chửi bới trọng tài? Đó là những hành động lẽ ra chỉ nên xuất hiện ở các giải phủi chứ không phải ở cấp độ V-League.
Vậy nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Tôi cho rằng nó nằm trong tư duy, đạo đức chơi bóng của các cầu thủ Việt. Một cầu thủ chuyên nghiệp sẽ không để đôi chân của mình rời khỏi mặt đất trong những pha vào bóng. Đừng biện minh rằng họ chỉ đang đá quá nhiệt tình vì màu cờ sắc áo. Bởi không đội bóng chuyên nghiệp nào kêu gọi cầu thủ của mình chơi bóng kiểu đó. Có chăng, chỉ là các đội bóng của chúng ta đang đặt nặng thành tích mà quên mất chuyện giáo dục đạo đức cho cầu thủ. Mà nếu vậy thì đâu thể gọi là làm bóng đá chuyên nghiệp?
Việc án phạt dành cho Ngô Hoàng Thịnh thế nào rồi sẽ bị đem ra mổ xẻ. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó không phải là giải pháp căn cơ nhằm thay đổi bộ mặt của bóng đá Việt Nam bởi có phạt cỡ nào thì chân của Hùng Dũng cũng đã gãy. Muốn chuyên nghiệp thực sự, chúng ta cần những đội bóng chuyên nghiệp, đào tạo nên những cầu thủ chuyên nghiệp, có đạo đức tốt. Đây là câu chuyện xây nhà từ móng. Đếm lại trong danh sách các đội bóng tại V-League, có bao nhiêu CLB làm bóng đá được từ gốc như thế? Tôi nghĩ là chỉ một, hai đội làm bắt đầu làm được. Và điều đó đổi lại là thành tích không mấy khả quan.
Nói vậy để thấy, con đường chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, xem ra vẫn còn rất dài. Chúng ta còn thiếu rất nhiều những cầu thủ chuyên nghiệp, những trọng tài chuyên nghiệp, những đội bóng chuyên nghiệp, ban tổ chức chuyên nghiệp... Khi cả một hệ thống không cùng nhìn chung một hướng, không xuất phát từ cùng một điểm, mà cứ mệnh ai nấy đá, đội thích đào tạo trẻ, đội chỉ lo đi mua ngoại binh... thì chẳng bao giờ chúng ta đạt được hai chữ "chuyên nghiệp" thực chất.
Chúng ta đã có một vài mùa giải V-League khởi sắc nhờ hiệu ứng của HAGL. Nhưng đó vẫn chỉ như một đốm lửa nhỏ, lóe lên rồi lại vụt tắt. Tôi xin mượn lại câu nói nổi tiếng của ông bầu Đoàn Nguyên Đức để kết lại bài viết này: "Chỉ cần cầu thủ đá đẹp thì thua cũng vẫn sướng". Có lẽ một lần nữa người ta phải nghiêm túc suy nghĩ lại về điều này. Bóng đá và người hâm mộ Việt cần gì?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.