Triệu chứng bất thường ở hai chân xuất hiện cả vào ban ngày khiến anh Cường khó chịu, đau đầu, buồn ngủ do thiếu ngủ nhưng khó ngồi yên. Ngày 16/12, BS.CKI Nguyễn Hữu Khánh, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả đo đa ký giấc ngủ xác định anh Cường mắc hội chứng chân không yên, mức độ 30 trên thang điểm IRLS.
Hội chứng chân không yên là tình trạng rối loạn vận động mạn tính. Còn IRLS là thang điểm đánh giá độ nặng về hội chứng chân không yên, gồm có bộ 10 câu hỏi với tổng điểm là 40. Điểm số bệnh nhân càng cao thể hiện mức độ bệnh càng nặng.
"Nhiều người mắc hội chứng chân không yên nhưng không biết để đi khám và điều trị", bác sĩ Khánh nói, thêm rằng mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 100 bệnh nhân đến khám do mất ngủ có biểu hiện của hội chứng này.
Hội chứng chân không yên có thể do thứ phát (thiếu máu thiếu sắt, thiếu folate hoặc magie, bệnh thận, đái tháo đường, bệnh lý rễ thần kinh vùng thắt lưng cùng, phụ nữ mang thai...) hoặc nguyên phát vì rối loạn di truyền, rối loạn dopamine - chất dẫn truyền thần kinh. Một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Anh Cường bị suy giảm chức năng gan, men gan tăng cao, viêm gan, gan nhiễm mỡ độ ba do rượu bia và nhiều vấn đề khác. Bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng chân không yên thứ phát. Người bệnh mất ngủ kéo dài, ảnh hưởng thể chất và tinh thần, không điều trị kịp thời nguy cơ dẫn đến các biến chứng như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đột quỵ.
Anh Cường được điều trị theo phác đồ đa mô thức, cá thể hóa. Bác sĩ phối hợp các phương pháp nội khoa để vừa kiểm soát bệnh nền, cải thiện hội chứng chân không yên, đồng thời nâng cao chất lượng giấc ngủ, giảm căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu. Bệnh nhân cũng được điều trị bằng kích thích từ trường xuyên sọ. Kỹ thuật này sử dụng sóng từ trường đủ mạnh và ngắn hạn có khả năng đi xuyên qua da và hộp sọ để tác động trực tiếp đến vùng vỏ não M1. Từ đó, ức chế dẫn truyền thần kinh gây đau đầu, căng thẳng, hỗ trợ người bệnh có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Sau hai tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt, ngủ được 6-8 giờ mỗi đêm, cảm giác bồn chồn, khó chịu, ngứa hai chân giảm. Bệnh nhân cần duy trì điều trị với kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ theo liệu trình 4-6 tuần, thời gian mỗi lần trị liệu 20-40 phút, không cần nhập viện, uống thuốc theo chỉ định.
Người mắc hội chứng chân không yên có cảm giác bất thường ở chân như ngứa ngáy, bồn chồn, đau nhức, giống như kim châm hay kiến bò. Hậu quả là gây kích thích, thôi thúc phải cử động chân không cưỡng lại được. Các triệu chứng thường bắt đầu khi người bệnh nghỉ ngơi, nặng hơn vào cuối ngày và ban đêm.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo người có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, cảm giác hai chân khó chịu bất thường nên khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa thần kinh.
Thông tin từ Hội Thần kinh học Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng chân không yên ở châu Á (trong đó có Việt Nam) là khoảng 1% dân số, tức 100 người thì có một người. Tình trạng này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, có xu hướng tăng dần theo tuổi.
Trường Giang
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |