Bệnh tiểu đường cả hai type 1 và 2 đều có thể di truyền cho thế hệ sau. Thời điểm mắc bệnh tùy thuộc vào lối sống và môi trường tác động.
Yếu tố di truyền tiểu đường type 1
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh tiểu đường type 1 có 95% liên quan đến cơ chế tự miễn (gọi là type A) và dưới 5% còn lại không tìm thấy nguyên nhân (type B). Bệnh tiểu đường type 1 có sự kết hợp của yếu tố di truyền, môi trường và miễn dịch dẫn đến phá hủy tế bào beta tụy và giảm insulin.
Bác sĩ Linh dẫn nghiên cứu cho thấy bố mắc tiểu đường type 1, khả năng con mắc bệnh là 6%. Mẹ bị tiểu đường type 1 càng sớm, tỷ lệ con mắc bệnh càng cao. Nếu cả bố và mẹ đều bệnh tiểu đường, con sinh ra có nguy cơ là 10-25%.
Một số gene như DR3/4-DQ8, DR4/DR4... ở người làm tăng nguy cơ tiểu đường type 1. Các gene này tác động phần lớn đến chức năng tế bào beta tụy.
Yếu tố môi trường có thể kích hoạt quá trình tự miễn gây giảm chức năng tế bào beta gồm virus (coxsackie virus, rubella, enterovirus...), protein sữa bò, thiếu vitamin D, các hoạt chất độc như vacor (thuốc diệt chuột nitrophenyl urea). Các chất độc phá hủy tế bào như hydrogen cyanide từ đậu tapioca biến chất hoặc rễ cây sắn cũng có thể tác động. Nghiên cứu cho thấy cho bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh có thể bảo vệ trẻ không bị tiểu đường type 1.
Yếu tố di truyền tiểu đường type 2
Bác sĩ Linh cho biết tiểu đường type 2 là bệnh đa gene. Nguy cơ tiểu đường ở trẻ tăng khi ba hoặc mẹ bị tiểu đường type 2. Nếu cả ba và mẹ đều mắc tiểu đường type 2, khả năng con mắc bệnh lên đến 40%.
Người con có thể bệnh sớm hơn nếu chịu tác động từ các yếu tố môi trường gồm béo phì, nhất là béo bụng dẫn đến đề kháng insulin; tim mạch, tăng huyết áp, lối sống ít vận động...
Phòng bệnh
Để phòng bệnh tiểu đường, người có yếu tố di truyền nên chú trọng kiểm soát cân nặng. Duy trì cân nặng ổn định giúp phòng bệnh tiểu đường. Người thừa cân béo phì, giảm được 7-10% trọng lượng có thể giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Tập thể dục thường xuyên hỗ trợ insulin hoạt động tốt hơn, chuyển hóa đường glucose nhanh hơn, giảm tình trạng cơ thể kháng insulin và giảm nguy cơ tiểu đường. Người trưởng thành nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày hoặc đi bộ 5 giờ mỗi tuần.
Bác sĩ Linh khuyên mỗi người nên điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách tăng các sản phẩm từ gạo lứt, gạo nguyên cám, đậu, các loại hạt, hạn chế ăn bánh kẹo ngọt, uống nước lọc thay vì chọn nước ngọt, chọn chất béo không bão hòa có trong dầu thực vật (nhiệt độ thường), không hút thuốc.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |