Trả lời:
Biến dạng bàn chân tiểu đường là những bất thường về cấu trúc bàn chân, làm tăng nguy cơ loét, đoạn chi.
Người bệnh tiểu đường dễ bị biến dạng bàn chân hơn người khác, do kiểm soát đường huyết không tốt dẫn đến các biến chứng thần kinh và mạch máu, từ đó thiếu dinh dưỡng ở các nhóm cơ bàn chân.
Các nhóm cơ gấp hoặc duỗi dễ teo lại, làm thay đổi cấu trúc tự nhiên của bàn chân. Các cấu trúc bị di lệch này gây biến dạng và tạo ra các điểm tỳ đè bất thường, tăng lực ma sát và phân bố áp lực lên các vùng của bàn chân, tổn thương và loét chân.
Báo cáo toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019 cho thấy bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ cắt cụt chi dưới do vết loét bàn chân nhiễm trùng và không lành.
Các tình trạng biến dạng bàn chân ở người bệnh tiểu đường gồm biến dạng móng vuốt, ngón chân hình búa, vết chai chân, bàn chân vẹo ngoài, bàn chân lõm, bàn chân bẹt, bàn chân charcot...
Biến dạng bàn chân tiểu đường được đánh giá, phát hiện và can thiệp sớm, đúng kỹ thuật giúp giảm nguy cơ loét, nhiễm trùng.
Một số kỹ thuật can thiệp như cắt các gân nhỏ làm giảm mức độ co quắp của các ngón chân, cắt bỏ vùng da chân bị chai do tỳ đè, dùng thiết bị để điều chỉnh biến dạng bàn chân hoặc tạo khuôn giày riêng biệt cho các bàn chân biến dạng để giảm áp lực.
Để phòng ngừa tình trạng này, người bệnh nên kiểm soát lượng đường trong máu, mỡ máu, huyết áp, dùng thuốc đúng chỉ định, dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp, không hút thuốc lá.
Thường xuyên vệ sinh chân với nước sạch, lau khô bàn và các kẽ chân bằng khăn mềm, quan sát bàn chân trước khi đi ngủ (màu sắc da, vết đỏ, vết bầm, vết chai, xước, các biến dạng...) để kịp thời phát hiện các thay đổi.
Không tự xử lý các vết thương, bóng nước, vết chai chân. Chọn giày dép phù hợp và mềm mại để bảo vệ bàn chân, tránh mang giày cao gót. Trước khi mang giày nên làm sạch bụi bẩn, dị vật, côn trùng ẩn bên trong. Tầm soát và phát hiện sớm các biến chứng thần kinh, mạch máu góp phần phòng ngừa biến dạng bàn chân tiểu đường.
BS.CKI Phan Thị Thùy Dung
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |