Viêm túi mật bao gồm viêm túi mật cấp tính do sỏi (chiếm 90%) và viêm túi mật mạn tính do sỏi hoặc không do sỏi. Trong đó, viêm túi mật không do sỏi thường có nguyên nhân là rối loạn chức năng túi mật như nhịn ăn trong thời gian dài, giảm cân quá mức, lạm dụng phương pháp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Người mắc bệnh tim, đột quỵ, nhiễm trùng huyết, chấn thương nghiêm trọng cũng thuộc nhóm nguy cơ viêm túi mật.
Các tình trạng này gây ứ đọng dịch mật trong túi mật tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, tích tụ muối mật, làm tăng áp lực trong lòng túi mật, dẫn tới thiếu máu cục bộ ở thành túi mật, gây viêm. Viêm túi mật không do sỏi thường xảy ra cấp tính hơn mạn tính.
BS.CKI Nguyễn Công Uẫn, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm TP HCM, cho biết viêm túi mật không do sỏi nguy hiểm, có thể gây tử vong cao. Triệu chứng bệnh khó phân biệt với các tình trạng viêm túi mật khác như đau bụng dữ dội ở 1/4 phía trên bên phải, ợ hơi, đầy bụng, buồn nôn, ói mửa, khó chịu sau khi ăn, tiêu chảy mạn tính... Triệu chứng viêm cấp tính có thể khởi phát đột ngột với mức độ nghiêm trọng hơn như đau bụng khởi phát sau bữa ăn, đau dữ dội ở hạ sườn phải, sốt, vàng mắt và da, chướng bụng, túi mật căng to. So với viêm túi mật cấp tính, triệu chứng viêm túi mật mạn tính không do sỏi thường kéo dài nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Viêm túi mật không do sỏi không điều trị sớm, áp lực trong túi mật không giảm, lâu ngày dẫn thiếu máu cục bộ thành túi mật và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Hoại tử túi mật: Do áp lực trong túi mật không giảm khiến mô túi mật bị phân hủy, dẫn đến hoại tử, làm tăng nguy cơ tử vong.
Thủng túi mật: Lỗ thủng hình thành trên thành túi mật có thể dẫn đến áp xe, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Nhiễm trùng huyết: Viêm túi mật kéo dài khiến người bệnh có nguy cơ cao nhiễm trùng huyết, cần được điều trị kịp thời.
Tùy vào mức độ, người bệnh có thể được phẫu thuật cắt bỏ túi mật, đặt ống dẫn lưu túi mật qua da, dùng thuốc kháng sinh. Trong đó, đặt ống dẫn lưu túi mật qua da được áp dụng trong trường hợp người bệnh bị sốc nhiễm trùng, huyết động không ổn định, tổng trạng kém như suy tim nặng, suy hô hấp nặng... không thể phẫu thuật cắt túi mật.
Đặt ống dẫn lưu túi mật, thường cải thiện hiệu quả triệu chứng trong vòng 24 giờ, tỷ lệ thành công đạt 85-90%, theo bác sĩ Uẫn. Nếu kết quả điều trị không tiến triển, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh cắt túi mật.
Chủ động phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh bằng cách sống lành mạnh, cân đối các nhóm dưỡng chất thiết yếu, thường xuyên vận động để kiểm soát cân nặng và các chỉ số đi kèm.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |