Ngực chảy xệ sau sinh kèm lão hóa cơ thể, 5 năm trước bà Thoa đặt túi ngực với mong muốn có vòng một đầy đặn. Hai năm sau đó, ngực đau âm ỉ, da căng bóng, bà quay lại cơ sở nâng ngực ban đầu, được lấy túi ngực ra do xơ cứng và điều trị bằng kháng sinh.
Hết nhiễm trùng, bà đặt túi ngực lần hai nhưng ngực vẫn xơ cứng, đau nhức âm ỉ. Bà trải qua thêm hai lần phẫu thuật lấy và đặt túi ngực, đến khi vòng một căng tròn, xơ cứng mới quyết định lấy túi ngực ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, tuyến vú vẫn cứng, đau dai dẳng ngày đêm. Sợ mô ngực hoại tử và ung thư, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 6/11, ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, cho biết ngực bà Thoa co thắt bao xơ mức độ 4, tái phát nhiều lần, bầu ngực cứng, biến dạng, gồ ghề, đau khi chạm vào. Bác sĩ giải thích co thắt bao xơ sau nâng ngực không phải do túi ngực chứa chất độc hại. Đây là sự hình thành "vỏ bọc" mô sẹo xung quanh bất kỳ loại mô cấy ghép nào trong quá trình lành vết thương. Cơ thể phản ứng với bất kỳ vật thể lạ phát hiện được và tạo ra hàng rào mô sẹo xung quanh.
Kết quả siêu âm, chụp nhũ ảnh bệnh nhân cho thấy mô vú còn rất ít, chủ yếu mô vôi hóa xơ chai ngấm silicon, loại trừ khả năng ung thư.
Người bệnh được tư vấn phẫu thuật tiết kiệm da như đoạn nhũ phòng ngừa, tái tạo vú tức thì bằng vạt da cơ lưng rộng cho hai bên ngực. Theo bác sĩ Giang, ưu điểm của các phương pháp này là loại bỏ nguy cơ co thắt bao xơ tái phát, cắt các mô vú còn lại ngấm silicon mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ.
Sau phẫu thuật, bà Thoa hết đau ngực, sờ không còn vết chai cứng, vòng một mềm mại không còn xơ cứng, da và nhũ hoa được giữ nguyên, tình trạng chảy xệ cũng cải thiện.
Co thắt bao xơ khi nâng ngực giúp giữ túi ngực đúng vị trí, tránh bị trượt. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, lớp mô sẹo này bị cứng bất thường, co lại xung quanh túi ngực dẫn đến biến dạng ngực, đau vú. Theo bác sĩ Giang, có khoảng 75% trường hợp co thắt bao xơ xảy ra trong hai năm kể từ khi đặt túi ngực, ở nhiều mức độ. Đôi khi, sau nhiều năm phẫu thuật nâng ngực, người bệnh mới co thắt bao xơ. Trong trường hợp này, bác sĩ cần kiểm tra túi ngực có bị vỡ không, bởi đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây co thắt bao xơ khởi phát trễ.
Người từng xạ trị sau phẫu thuật tái tạo vú có nguy cơ cao co thắt bao xơ. Một số yếu tố khác như vỡ túi ngực, máu tích tụ ở mô bị cắt bỏ khi phẫu thuật (hay tụ máu), nhiễm trùng (lớp vi khuẩn mỏng phát triển xung quanh mô cấy). Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh tự miễn, dễ hình thành mô sẹo sau chấn thương cũng thường gặp tình trạng này.
Co thắt bao xơ gồm 4 mức độ, mức độ một không có triệu chứng, không ảnh hưởng đến kích thước, hình dạng hoặc kết cấu của ngực. Triệu chứng đau, biến dạng tăng dần theo từng mức độ.
Bác sĩ Giang cho biết trước đây, các lựa chọn điều trị cho người bệnh nâng ngực bị biến chứng co thắt bao xơ nặng độ 4 còn nhiều hạn chế. Người bệnh thường phải được phẫu thuật chỉnh sửa nhiều lần, kéo dài, tốn kém về thời gian và chi phí, ảnh hưởng lớn đến tâm lý.
Trong quá trình này, túi ngực của người bệnh được lấy ra, điều trị bằng thuốc kháng sinh. Khi nhiễm trùng bớt, bệnh nhân có thể chọn đặt lại túi ngực. Tuy nhiên, cơ thể dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây tái phát co thắt bao xơ.
Một số cách giảm nguy cơ co thắt bao xơ như sử dụng đúng kích cỡ túi ngực phù hợp với thể tích ngực hiện tại, bác sĩ hạn chế chạm vào túi ngực trước khi đặt, sử dụng túi ngực gel nhám...
Co thắt bao xơ ngực có khả năng điều trị cao, phụ nữ có vấn đề về ngực nên đi khám tại chuyên khoa Ngoại Vú uy tín để khám và có hướng điều trị phù hợp.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |