Nâng ngực bằng túi ngực silicon hoặc túi nước muối là một trong những cách làm đẹp phổ biến giúp phụ nữ tự tin hơn. Túi ngực được đặt vào phía sau mô tuyến vú, sát thành ngực, có thể nằm trước hoặc nằm sau cơ ngực, đẩy mô tuyến vú ra phía trước.
Theo ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) người có đặt túi ngực cần quen dần cảm giác căng ngực sau đặt túi và xác định được đâu là tuyến vú thật sự, đâu là túi ngực để có thể sớm phát hiện bất thường nếu có. Nguy cơ ung thư vú của phụ nữ tùy vào độ tuổi, chủng tộc, di truyền, lối sống... Do đó, chị em đã đặt túi ngực vẫn cần tầm soát ung thư vú định kỳ theo khuyến cáo chung, bắt đầu từ năm 40 tuổi nên nhũ ảnh hàng năm.
Bác sĩ Giang cho biết, với phụ nữ có đặt túi ngực hay không, chụp nhũ ảnh thường quy vẫn là phương pháp tầm soát ung thư vú tốt nhất, giúp phát hiện những tổn thương nhỏ nhất và điều trị sớm nếu phát hiện bệnh. Một số vùng của tuyến vú có thể bị túi ngực che lấp nên cần chụp ở nhiều góc hơn bình thường để có thể quan sát hết mô tuyến vú. Trong một số trường hợp nhũ ảnh không thể thấy hết được toàn bộ mô tuyến vú, bác sĩ có thể cho siêu âm vú bổ sung để rà soát mô vú còn lại.
Chụp nhũ ảnh có thể làm vỡ túi ngực nhưng rất hiếm gặp. Bạn cần thông báo trước với kỹ thuật viên chụp nhũ ảnh là mình có túi ngực. Các kỹ thuật viên sẽ chọn góc chụp và lực ép vú phù hợp với ngực. Túi ngực nằm phía sau mô tuyến vú. Chụp nhũ ảnh chỉ cần lấy hình ảnh của mô tuyến vú phía trước, lực ép lên túi ngực không đáng kể.
Phụ nữ sau điều trị ung thư vú đã được cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và được tái tạo bằng túi ngực không cần chụp nhũ ảnh tuyến vú đó. Để kiểm tra bệnh có tái phát hay không, bác sĩ sẽ sử dụng các phương tiện hình ảnh khác. Bên vú còn lại, không bị ung thư vẫn cần được chụp nhũ ảnh tuyến vú. Dù rất ít xảy ra nhưng sinh thiết chọc hút bằng kim ở tuyến vú vẫn có nguy cơ làm vỡ túi ngực, tùy vào vị trí của tổn thương. Do đó́, chọc kim vào tuyến vú có túi ngực khó hơn so với tuyến vú bình thường.
Khi bạn sờ hoặc cảm nhận có khối bất thường trong tuyến vú, theo bác sĩ Giang, khối này có thể là một phần của túi nâng ngực nhưng không nên chủ quan. Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa Ngoại vú để được chẩn đoán chính xác vì có thể đó là khối bất thường ở mô tuyến vú. Bác sĩ có thể cần sinh thiết mô tổn thương để xem xét và điều trị kịp thời nếu ung thư. Bệnh thường có triệu chứng sưng đau vú, tạo khối hoặc làm thay đổi kích thước tuyến vú hoặc hạch nách to. Loại ung thư này được điều trị bằng cách phẫu thuật lấy bỏ túi ngực, cắt rộng mô xung quanh, đôi lúc phải hóa trị và xạ trị.
Người đã đặt túi ngực không cần lấy túi ngực khi mắc ung thư vú. Ngay cả khi xạ trị gây xơ hóa, co rút và thay đổi hình dạng tuyến vú nhưng tỷ lệ rất thấp. Xạ trị trên túi ngực đang ổn định càng ít tổn thương.
Đức Nguyên