Sỏi túi mật hình thành khi dịch mật tích tụ trong túi mật hoặc đường mật, kích thích nhỏ như hạt cát hoặc to như quả bóng bàn.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sỏi mật hình thành âm thầm, không có triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, khoảng 20% trường hợp không có triệu chứng sẽ phát triển triệu chứng sau 15 năm. Những viên sỏi có thể tiếp tục phát triển và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như dưới đây.
Viêm túi mật: Sỏi kẹt ở cổ túi mật lâu ngày dẫn đến viêm túi mật, với dấu hiệu đau dữ dội vùng bụng trên bên phải, cơn đau tăng lên khi sờ, thở sâu, ho kèm theo sốt. Viêm túi mật lâu ngày khiến túi mật dày lên, xơ hóa, làm mất chức năng cô đặc, dự trữ dịch mật. Túi mật có thể vỡ nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm phúc mạc mật: Sỏi túi mật xuất hiện làm cản trở dòng chảy của dịch mật, gây tắc nghẽn đường mật và nhiễm trùng dịch mật. Đường mật tổn thương do áp lực co bóp của túi mật, túi mật bị vỡ làm dịch mật nhiễm trùng tràn vào những cơ quan kế cận như phúc mạc gây nhiễm trùng ổ bụng. Trường hợp nặng, người bệnh có thể hoại tử đường mật, dẫn đến viêm phúc mạc mật.
Viêm tụy cấp: Viêm tụy cấp là biến chứng thường gặp, xảy ra do sỏi từ túi mật rơi xuống ống mật chủ làm tắc nghẽn, tăng áp lực trong ống tụy, ứ đọng dịch tụy và kích hoạt tại chỗ các enzym tuyến tụy, khiến nhu mô tụy bị hủy hoại.
Viêm tụy gồm hai loại là viêm tụy cấp thể phù và viêm tụy thể hoại tử. Viêm thể hoại tử có thể gây sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, tử vong. Triệu chứng gồm đau bụng dữ dội, nôn nhiều, co cứng vùng thượng vị kèm theo các triệu chứng trụy tim mạch.
Chảy máu đường mật: Những viên sỏi kích thước lớn dễ làm tổn thương đường mật, gây chảy máu. Triệu chứng phổ biến như buồn nôn và nôn, vàng da, sưng bụng, đau tức hạ sườn phải, sốt trên 38 độ, nước tiểu vàng, rối loạn tiêu hóa, đổ mồ hôi, mệt mỏi... Người bệnh có thể nôn ra máu cục, đi ngoài phân đen. Nội soi dạ dày tá tràng thấy máu chảy trong tá tràng bắt nguồn từ đường mật.
Viêm mủ đường mật và áp xe gan mật: Viêm đường mật tiến triển dễ dẫn tới biến chứng áp xe gan mật. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau nhiều ở vùng gan, sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, thể trạng suy kiệt do thiếu nước và nhiễm độc.
Sốc nhiễm khuẩn đường mật: Đây biến chứng nặng, thường gặp ở người có sỏi mật, đau sốt nhiều nhưng không được điều trị kịp thời. Bác sĩ Khanh dẫn một số số liệu cho thấy khoảng 16-24% trường hợp mắc sỏi mật, xảy ra nhiều ở người lớn tuổi. Biến chứng sốc nhiễm khuẩn đường mật là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do sỏi mật.
Ung thư túi mật: Sỏi túi mật lâu năm gây viêm đường mật mạn tính có thể dẫn tới ung thư. Bệnh thường không có triệu chứng cho đến khi khối u phát triển và được chẩn đoán sau khi cắt túi mật. Một số biểu hiện dễ xảy ra như gầy sút cân, vàng da nếu khối u gây chèn ép đường mật.
Bác sĩ Khanh cho biết không cần điều trị sỏi túi mật nếu sỏi nhỏ và chưa gây ra triệu chứng. Khi cần điều trị, tùy theo kích thước sỏi, triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. Trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng nhưng sỏi có kích thước lớn hơn 2-3 cm, thành túi mật dày hoặc xơ hóa, nhiễm trùng nặng do bệnh miễn dịch, người bệnh vẫn cần phẫu thuật.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do thói quen ăn uống, lối sống sinh hoạt không lành mạnh. Để phòng ngừa, nên ưu tiên bổ sung chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc, chất béo tốt từ dầu cá, dầu ô liu. Hạn chế ăn tinh bột, đường và thực phẩm giàu chất béo bão hòa như bánh ngọt, bánh quy, bơ, phô mai.
Tránh áp dụng các biện pháp nhịn ăn, giảm cân nhanh. Duy trì tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần cũng giảm nguy cơ gây ra sỏi túi mật. Khám sức khỏe định kỳ giúp tầm soát và phát hiện bệnh sớm.
Trịnh Mai
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp.