PGS.TS.BSCC Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, không chỉ tác động lên da và khớp mà bệnh viêm khớp vảy nến còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh có thể gây ra các vấn đề như:
Đối với da, tóc và móng: Bệnh làm xuất hiện những mảng sần sùi, có màu đỏ trên da và móng, thường gặp nhất là các vị trí khớp gần móng ở ngón tay, ngón chân. Lúc này, móng tay có thể trở nên dày, cứng và thô, thay đổi màu móng và có dấu hiệu bong tróc. Trong một số trường hợp, móng có thể tách khỏi giường móng, gọi là ly móng.

Viêm khớp vảy nến xuất hiện trên da, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ, làm người bệnh tự ti. Ảnh: Freepik
Đối với hệ cơ xương khớp: Bệnh viêm khớp vảy nến gây viêm đau, cứng và sưng ở một khớp hoặc nhiều khớp, gây khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt và di chuyển. Bệnh còn làm xuất hiện triệu chứng đau ở cổ, lưng, khó gập duỗi cột sống. Ngoài ra, viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến hệ thống dây chằng và gân xung quanh, làm mòn xương, gia tăng các bệnh lý ở hệ cơ xương khớp.
Đối với hệ miễn dịch; Viêm khớp vảy nến là một trong những bệnh lý tự miễn của hệ cơ xương khớp. Lúc này, hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và tấn công chính các tế bào có lợi. Kết quả là có thể dẫn đến một số bệnh nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn, viêm da...
Đối với thị lực: Nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt, bệnh viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến biến chứng viêm màng bồ đào, thậm chí là làm mất thị lực vĩnh viễn.
Đối với hệ tiêu hóa: Người bệnh viêm khớp vảy nến có nguy cơ mắc bệnh Crohn, một loại bệnh viêm ruột gây tiêu chảy và các vấn đề khác ở hệ tiêu hóa, cao gấp 8 lần so với người bình thường.
Đối với hệ hô hấp: Khi tình trạng viêm khớp lan rộng đến phổi có thể dẫn đến bệnh viêm phổi mô kẽ. Người bệnh sẽ ho nhiều, cảm thấy mệt mỏi và có thể khó thở.
Đối với hệ tim mạch: Người bệnh viêm khớp vảy nến có nhiều nguy cơ mắc phải những tổn thương ở tim mạch và hệ thống mạch máu như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, cholesterol cao... Khi tình trạng viêm làm tổn thương các mạch máu khiến thành mạch cứng và dày hơn, có thể để lại sẹo, lâu dài làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Đối với sức khỏe tâm thần: Khi sống cùng các triệu chứng khó chịu và dai dẳng của viêm khớp vảy nến, người bệnh có nguy cơ trầm cảm kéo dài, thường xuyên lo lắng, mất đi sự tự tin, lạc quan...

Bác sĩ Hồng Hoa trong một buổi thăm khám, tư vấn cùng người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Hiện nay y học vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh viêm khớp vảy nến. Các biện pháp can thiệp chủ yếu tập trung vào kiểm soát tình trạng viêm khớp, tránh làm ảnh hưởng nặng nề đến khớp và các cơ quan xung quanh, ngăn ngừa tổn thương cấu trúc, phòng ngừa phát sinh biến chứng và giảm nguy cơ tàn tật vĩnh viễn.
Phác đồ điều trị viêm khớp vảy nến là sự kết hợp giữa điều trị các triệu chứng bệnh với chữa lành những tổn thương ở da và khớp. Phác đồ này bao gồm điều trị bằng thuốc và tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng các cơ quan vận động.
Bác sĩ Hồng Hoa cho biết, các phương pháp điều trị chỉ phát huy hiệu quả khi được thực hiện kịp thời và đúng lúc. Vì vậy, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như phát ban đỏ, có vảy ở vùng da khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, bàn tay và bàn chân người bệnh; sưng đau và nóng khớp khi chạm vào; đau nhức khắp các điểm mà gân và dây chằng bám vào xương...
Phi Hồng