BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh thoát vị đĩa đệm đang gia tăng do thói quen sinh hoạt không lành mạnh, ít vận động. Bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như sau:
Rối loạn bài tiết: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chèn ép dây thần kinh, gây rối loạn cơ tròn có chức năng chính là liên kết với thân não, tủy sống để kiểm soát, điều khiển tiểu tiện. Người bệnh rất dễ rối loạn bài tiết, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Triệu chứng ban đầu là bí tiểu, về lâu dài thường xuyên tiểu dầm, tiểu mất kiểm soát.
Tổn thương hệ thần kinh: Chèn ép thần kinh do thoát vị đĩa đệm có nguy cơ cao dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Tình trạng này xảy ra khi nhân nhầy đĩa đệm rò rỉ liên tục, tạo áp lực nghiêm trọng lên dây thần kinh tại vùng ảnh hưởng. Một số triệu chứng phổ biến như thường xuyên tê, ngứa; giảm khả năng vận động và giữ thăng bằng; mất cảm giác ở vùng hông, chân và bàn chân...
Viêm màng nhện tủy sống: Các dây thần kinh xung quanh tủy sống được bảo vệ bởi một số lớp màng. Khi xảy ra tình trạng thoát vị đĩa đệm, những lớp màng này có thể bị viêm, gây đau nhói hoặc đau dữ dội vùng lưng, chân; co giật, co thắt cơ; các rối loạn liên quan đến ruột, bàng quang và chức năng tình dục. Người bệnh luôn phải thay đổi tư thế để bớt khó chịu.
Rối loạn chức năng tiêu hóa: Chức năng chính của tủy sống là truyền tín hiệu từ hệ thống thần kinh trung ương đến các phần còn lại trong cơ thể. Do đó, khi cấu trúc cột sống bị chèn ép hoặc đĩa đệm thoát vị, các dây thần kinh kiểm soát hệ thống tiêu hóa ngay lập tức bị ảnh hưởng, dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa.
Hội chứng chùm đuôi ngựa: Tổn thương thần kinh vĩnh viễn do thoát vị đĩa đệm có thể gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa, cần can thiệp y tế ngay. Hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép. Người bệnh có các triệu chứng như bí tiểu, đại tiểu tiện không tự chủ; rối loạn cảm giác bộ phận sinh dục, hậu môn và vùng mông. Yếu hoặc liệt các chi dưới; đau lưng hoặc chân (đau thần kinh tọa), rối loạn chức năng tình dục... cũng có thể xảy ra.
Hội chứng đau khập khễnh cách hồi: Đây là tình trạng rối loạn vận động, khiến người bệnh khó điều khiển hành vi bao gồm không thể di chuyển liên tục, luôn phải nghỉ ngơi chỉ sau vài bước đi.
Teo cơ chi: Thoát vị đĩa đệm có thể ức chế quá trình lưu thông máu đến các bộ phận khác, làm cho các chi bị thiếu hụt dinh dưỡng. Về lâu dài sẽ gây teo cơ, ảnh hưởng đến vận động, có thể mất hoàn toàn khả năng lao động.
Rối loạn cảm giác: Người bệnh có nguy cơ cao bị rối loạn cảm giác nếu không được điều trị hiệu quả. Triệu chứng thường là tê bì chân tay, rối loạn cảm giác ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể, tùy thuộc vào vị trí rễ dây thần kinh bị tổn thương. Người bệnh cảm thấy nóng lạnh bất thường hoặc mất hoàn toàn cảm giác đau.
Theo bác sĩ Xuân Anh, thoát vị đĩa đệm có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nhờ các phương pháp điều trị như nội soi giải áp, phẫu thuật cột sống ít xâm lấn... người bệnh nặng có thể hết đau và đi lại nhẹ nhàng trong ngày đầu sau mổ. Người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường như ngứa ran hoặc tê chân tay, yếu cơ, đau lưng hoặc hai bên cổ, cơn đau lan dầu đến vai, cánh tay, bàn tay và ngón tay.
Phi Hồng