Ngoài các triệu chứng vào các đợt cấp tính như da đỏ, đau, sưng, và cứng khớp, những người mắc viêm khớp vảy nến có thể gặp phải các biến chứng khó chịu khác. Dù những biến chứng dưới đây ít phổ biến, người bệnh vẫn cần cảnh giác để theo dõi, điều chỉnh chế độ sinh hoạt và tham vấn bác sĩ khi có dấu hiệu liên quan.
Đau cổ và lưng: Khoảng 40% bệnh nhân viêm khớp vảy nến gặp các cơn đau ở xương sống. Cơn đau xảy ra khi có tình trạng viêm tại các khớp giữa đốt sống, được gọi là viêm cột sống vảy nến hoặc ở các khớp giữa cột sống và xương chậu, được gọi là viêm xương cùng. Viêm xương cùng dẫn đến đau và cứng ở lưng dưới, viêm cột sống ảnh hưởng đến lưng trên và vùng cổ.
![Viêm khớp vảy nến thường xảy ra nhất ở người từ 30 đến 50 tuổi. Ảnh: fitwell](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/06/kham-va-dieu-tri-benh-viem-kho-5216-5775-1667745430.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OAI8P4f_heVuWC2VAkRcQw)
Viêm khớp vảy nến thường xảy ra nhất ở người từ 30 đến 50 tuổi. Ảnh: Fitwell
Đau mắt và các vấn đề về thị lực: Có khoảng 7% người mắc viêm khớp vảy nến gặp tình trạng viêm màng bồ đào (lớp giữa của mắt). Tình trạng này có thể gây đau, mờ và có thể dẫn tới đục thủy tinh thể, giảm thị lực, tăng nhãn áp và bong võng mạc. Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được chuẩn đoán chính xác.
Thể viêm khớp phá hủy (arthrtis mutilans): Theo các chuyên gia có khoảng 5% bệnh nhân viêm khớp vảy nến phát triển thành tình trạng viêm khớp phả hủy, một dạng bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến các khớp ở bàn tay và bàn chân.
Các vấn đề về tim mạch: Nhiều thống kê cho thấy, người mắc bệnh này có thể gặp các biến chứng tim mạch như huyết áp cao, đau tim. Tăng huyết áp và đau thắt ngực thường xảy ra do máu lưu thông kém. Đồng thời, người mắc viêm khớp vảy nến có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với người bình thường. Tuy nhiên, một số báo cáo khoa học cho biết, chất ức chế TNF (một liệu pháp điều trị sinh học sử dụng trong các trường hợp viêm và bệnh tự miễn) có thể giúp giảm các biến cố tim mạch ở bệnh viêm khớp vảy nến.
Lo lắng và trầm cảm: Cứ 5 bệnh nhân mắc viêm khớp vảy nến sẽ có một người mắc các vấn đề rối loại cảm xúc. Những cơn đau dai dẳng và lo lắng cho vấn đề về da khiến tỷ lệ mắc bệnh tâm lý của những bệnh nhân cao hơn. Hãy hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị, bao gồm tư vấn tâm lý, tập thể dục và có thể là sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Bệnh tiểu đường: Những người mắc viêm khớp vảy nến có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn những người không mắc. Từ đó, họ tiếp tục đối mặt với nguy cơ mắc một số vấn đề khác như giảm thị lực, bệnh tim, bệnh thận nếu lượng đường huyết không được kiểm soát. Các chuyên gia cho biết, việc điều trị viêm khớp vảy nến bằng corticosteroids có thể khiến bệnh nhân dễ mắc tiểu đường hơn.
Các bệnh về thần kinh: Các bệnh về thần kinh như yếu, tê, đau, đặc biệt ở bàn chân và bàn tay xảy ra với khoảng 9% bệnh nhân viêm khớp vảy nến.
Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân viêm khớp vảy nến cũng có thể mắc các bệnh khác liên quan đến tiêu hóa như viêm loét đại tràng, viêm thực quản trào ngược, loét dạ dày tá tràng và hội chứng ruột kích thích.
Béo phì: Những người bị viêm khớp vảy đến đặc biệt dễ bị béo phì.
Mai Mai (Theo HealthCentral)