Trả lời
Giá đỗ rất tốt cho sức khỏe vì giàu chất dinh dưỡng như protein, chất xơ, carbohydrate, canxi, chất béo, sắt, vitamin C, kali, phốt pho, chất chống oxy hóa flavonoid, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn giá đỗ gây hại cho tuyến giáp. Bạn có u tuyến giáp có thể ăn giá đỗ bình thường, có thể bổ sung thường xuyên để hỗ trợ phục hồi sau điều trị, giảm biến chứng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp, cân bằng lượng giá đỗ với các thực phẩm khác, không ăn quá nhiều, tránh dùng lúc đói. Chọn giá đỗ sạch hoặc các sản phẩm hữu cơ an toàn, không chứa chất kích thích hay chất bảo quản để có lợi cho sức khỏe.
Giá đỗ giúp cân bằng nồng độ axit trong dạ dày, kích thích tiêu hóa và giảm co thắt ruột. Do chứa nhiều saponin nên loại rau mầm này giúp hạn chế tích tụ cholesterol xấu, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ, tai biến mạch máu não.
Thực phẩm này chứa chất chống oxy hóa góp phần ức chế và kìm hãm sự phát triển của các khối u. Oligosaccharide có trong giá đỗ làm giảm tích tụ chất độc khi ăn uống sai cách. Vitamin C, flavonoid thúc đẩy tế bào thần kinh hoạt động, tránh căng thẳng, hỗ trợ cân bằng cảm xúc. Giá đỗ chứa nhiều axit folic, vitamin B12 và B6 có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt mà nhiều người bệnh tuyến giáp có thể gặp phải.
Mangan có trong giá đỗ góp phần xây dựng cấu trúc xương, hạn chế nguy cơ loãng xương do u tuyến giáp biến chứng hoặc cao tuổi, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh u tuyến giáp cần áp dụng chế độ vận động, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, tránh căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan. Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ Nội tiết, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường cần kiểm tra để xử trí kịp thời.
Bác sĩ Phan Thị An
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |