Trả lời:
Bệnh tuyến giáp như bướu cổ, viêm tuyến giáp, suy tuyến giáp... đều không thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm. Các bệnh này không thể lây từ người bệnh sang những người xung quanh dù ở chung, sử dụng chung đồ vật, tiếp xúc cơ thể như chạm, hôn, quan hệ tình dục...
Bệnh tuyến giáp không phải bệnh truyền nhiễm nên bạn không cần băn khoăn bệnh lây qua đường nào. Các yếu tố nguy cơ của bệnh thường liên quan đến di truyền, môi trường sống, dinh dưỡng, lối sống...
Bệnh tuyến giáp có tính di truyền. Một thành viên trong gia đình phát hiện bệnh tuyến giáp thì các thành viên khác cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do người có quan hệ huyết thống có cùng chung một hoặc vài đột biến gene hoặc chung thói quen ăn uống, sinh hoạt như ăn uống không lành mạnh, chế biến thực phẩm sai cách làm tăng nguy cơ ung thư. Nguyên nhân cũng có thể do các thành viên sống chung với nhau và tiếp xúc cùng yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp.
Ngoài yếu tố gia đình, tiền căn xạ trị vùng đầu mặt cổ, tình trạng béo phì... cũng có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp có khả năng di truyền.
Người có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp bao gồm phụ nữ dưới 40 tuổi hoặc trên 50 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn nam giới 5-8 lần. Phụ nữ mang thai, sau sinh làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, người từng xạ trị, mắc các bệnh tự miễn như tiểu đường type 1, thiếu máu ác tính, viêm khớp dạng thấp cũng có khả năng phát triển bệnh này.
Khi cơ thể dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tầm soát bệnh tuyến giáp.
BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |