BS.CKI Đặng Thị Oanh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Ngọc (Gò Vấp, TP HCM) được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, rơi vào hôn mê vào sáng 20/12. Theo người nhà bệnh nhân, bà thức dậy, bước xuống giường đi tiểu thì ngã xuống sàn nhà.
Các kết quả xét nghiệm đường huyết và chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân cho thấy: não bộ không tổn thương nhưng các chỉ số liên quan thận, tim, huyết áp... tăng đồng loạt. Đường huyết tăng cao hơn khoảng 3-6 lần bình thường (ở mức 535 mg/dl), chỉ số creatinin phản ánh chức năng thận tăng hơn khoảng 6-11 lần bình thường (524 mmol/l). Huyết áp và nồng độ kali cũng cao gần gấp 2 lần bình thường.
"Bệnh nhân bị tiểu đường, suy thận mạn nhưng hay ăn ngọt nên tăng đường huyết, rơi vào hôn mê", bác sĩ Oanh nhận định. Người bệnh rơi vào đợt cấp bệnh thận mạn giai đoạn 4, tăng kali máu nặng, tăng huyết áp trên nền tiểu đường. Nguy cơ rung thất dẫn đến ngưng tim, tử vong bất cứ lúc nào.
Bác sĩ chỉ định dùng thuốc điều trị, truyền insulin, phun khí dung. Sau hai tiếng, các chỉ số báo động đều giảm dần về mức ổn định. Người bệnh được chuyển đến Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh để lọc máu và chạy thận.
Sau một tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện và tiếp tục chạy thận định kỳ mỗi tuần 3 lần.
Giảm đường, giảm bệnh
BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyên người bệnh tiểu đường cần tái khám định kỳ và có khẩu phần ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ đái tháo đường và tiết niệu - thận học. Người tiểu đường có suy thận cần tuân thủ chế độ ăn tiết chế tinh bột, ăn vừa phải lượng protein, song song đó giảm bớt thực phẩm nhiều kali như sầu riêng, bưởi, mít, chanh, nước cam... Người bệnh lớn tuổi cần có bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe như đi bộ, vận động dẻo dai như dưỡng sinh... khoảng 30 phút mỗi ngày. Người bệnh không dùng các loại thuốc dân gian, đông y, thực phẩm chức năng, ngũ cốc, nước yến quảng cáo trên mạng... bởi có nguy cơ nguy hiểm tính mạng do tăng kali.
Bác sĩ Nguyên Duy dẫn các thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 5 triệu người bị tiểu đường, khoảng 50% trường hợp trước đó không biết bản thân bị bệnh. Tiểu đường có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm, sau ung thư và tim mạch.
Nguyên nhân chính dẫn đến tiểu đường type 2 là do lối sống không lành mạnh như: chế độ ăn nhiều cơm nhưng ít rau, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, nước ngọt, ít tập thể dục... Thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột góp phần làm tăng cân, tăng chất béo, dẫn đến thừa cân, béo phì. Đây là yếu tố nguy cơ cao nhất gây ra bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan cùng nhiều đơn vị thực hiện với 2,7 triệu người Mỹ trong giai đoạn từ 1986-2013 (các đánh giá lặp đi lặp lại về chế độ ăn uống cứ sau 4 năm và kéo dài trong suốt 26 năm theo dõi) cho thấy, người dùng đồ uống có đường (nước ngọt, nước ép trái cây) trong 4 năm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn người uống nước lọc đến 16%.
Nếu người bệnh không biết mắc bệnh tiểu đường để điều trị, không kiểm soát đường huyết, nhất là chế độ ăn nhiều đường, ít rau xanh... sẽ dễ rơi vào biến chứng cấp tính như nhiễm toan ceton (tình trạng máu chứa nhiều axit), tăng áp lực thẩm thấu máu. Về lâu dài, người bệnh đối diện nguy cơ cắt bỏ chân, đột quỵ, suy thận, xuất huyết võng mạc, mù lòa.
Dịp Tết có nhiều loại bánh kẹo, trái cây, nhiều thực phẩm chiên xào dầu mỡ, nước ngọt, bia rượu... khiến việc ăn uống, kiểm soát đường huyết gặp khó khăn. Thức khuya, dậy sớm, ngủ không đủ giấc và căng thẳng cũng không tốt cho sức khỏe người bệnh.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Nhằm tư vấn cho người bệnh tiểu đường chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo sức khỏe, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến Vui Tết không tăng đường huyết - Bí quyết cho người đái tháo đường, phát lúc 20h ngày 4/1 trên fanpage VnExpress. Chương trình có sự tham gia của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh gồm: TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội Tổng hợp; TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế; BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế; BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn. |
Nguyễn Trăm