Trả lời:
Rung nhĩ là một trong các bệnh lý về rối loạn nhịp tim thường gặp, với biểu hiện nhịp tim không đều ngay cả khi nghỉ ngơi. Bệnh có nguy cơ gây biến chứng suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... nếu không kiểm soát tốt.
Người bệnh rung nhĩ, loạn nhịp tim có thể tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Tập luyện giúp giảm căng thẳng, từ đó ổn định nhịp tim, ngăn ngừa bệnh tim tiến triển, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Vận động thường xuyên còn cải thiện giấc ngủ, kiểm soát tốt cân nặng, giảm các triệu chứng của rung nhĩ.
Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện. Bạn sẽ làm các bài kiểm tra mức độ gắng sức để chọn bộ môn phù hợp. Nếu tập luyện quá sức có thể làm tăng nhịp tim, tụt huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu. Tập quá sức còn tạo ra lượng adrenaline cao, khiến triệu chứng loạn nhịp tim tăng nặng ở người bệnh rung nhĩ.
Do đó, bạn nên tránh các môn thể thao đòi hỏi gắng sức nhiều như leo núi, tennis, cử tạ và chạy marathon. Người thường xuyên tham gia các bài tập sức bền kéo dài như chạy marathon có nguy cơ mắc chứng rung nhĩ cao hơn.
Thay vào đó, bạn có thể chuyển sang các hình thức tập luyện khác, phù hợp với tình trạng sức khỏe như đi bộ chậm, chạy bộ nhẹ nhàng, bơi lội, đạp xe, yoga... Lưu ý luôn khởi động trước khi tập thể dục và thực hiện động tác hạ nhiệt (cool down) sau buổi tập để điều hòa nhịp thở.
Trong quá trình này, bạn cần bổ sung nước thường xuyên, nhất là nước điện giải để tránh mất nước. Ăn nhẹ 30 phút trước khi vận động để không bị đói lả.
Nếu bạn bị rung nhĩ kịch phát, thỉnh thoảng tim đập không đều (cơn rung nhĩ), tốt nhất chỉ tập khi tim đập bình thường. Trường hợp rung nhĩ dai dẳng (nhịp tim luôn không đều), bạn có thể tập bất cứ khi nào thấy khỏe. Bạn chia nhỏ thời gian gồm sáng 10 phút, chiều 10 phút, tối 10 phút để cơ thể không chịu quá nhiều áp lực cùng lúc.
Nếu cảm thấy mệt, choáng váng, đau ngực, chóng mặt, khó thở, nhịp tim nhanh bất thường hoặc bất kỳ biểu hiện khó chịu nào khác khi đang tập, bạn cần dừng lại và đến bệnh viện ngay.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh
Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |