Bà Nguyễn Thị Trong bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu nhiều năm nay, tình trạng ổn định. Cách đây hơn một năm, bà mệt, khó thở, hụt hơi khi chạy bộ, tập aerobic, khám nhiều nơi không phát hiện bất thường nên nghĩ do tuổi già. Gần đây, bà mệt nhiều hơn, ngộp thở, có lúc cảm giác lồng ngực bị đè nén, ép chặt.
Kết quả chụp CT mạch vành bệnh nhân cho thấy thân chung mạch vành (đoạn ngắn của động mạch vành trái) và động mạch liên thất trước hẹp hơn 90%. Ngày 29/9, BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân mệt, khó thở khi vận động gắng sức. Nếu không nong hai nhánh mạch vành này, bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp bất cứ lúc nào.
Nhờ hệ thống siêu âm trong lòng mạch vành (Intravascular ultrasound - IVUS) dẫn đường, ê kíp đặt hai stent kích thước lớn vào đoạn mạch hẹp, tăng lưu lượng máu nuôi tim. Bệnh nhân hết đau ngực, khó thở, sinh hoạt bình thường, xuất viện sau hai ngày.
Động mạch vành là mạch máu chính nuôi tim. Nếu chúng bị hẹp hoặc tắc nghẽn do mảng xơ vữa, lưu lượng máu đến tim giảm, gây ra triệu chứng của bệnh mạch vành. Nhiều trường hợp động mạch vành hẹp nặng (trên 80%) không có triệu chứng. Mạch máu tắc hoàn toàn gây nhồi máu cơ tim cấp sẽ để lại di chứng nặng nề, có thể tử vong.
Bệnh động mạch vành có hai thể gồm hội chứng động mạch vành cấp và bệnh động mạch vành mạn.
Hội chứng mạch vành cấp (nhồi máu cơ tim cấp), xảy ra do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cấp tính do mảng xơ vữa bị nứt vỡ hoặc do huyết khối. Người bệnh có triệu chứng đau thắt ngực hoặc khó thở đột ngột, mức độ nặng, kéo dài trên 15 phút, kèm vã mồ hôi, choáng váng, ngộp thở. Người bệnh cần đến viện để nong mạch vành khẩn cấp, tránh di chứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, suy tim, hở van tim nặng, đột tử.
Theo bác sĩ Long, bệnh mạch vành mạn diễn tiến âm thầm trong nhiều thập kỷ. Cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức là dấu hiệu thường gặp nhất. Người bệnh có cảm giác nặng, nghẹn, thắt, bóp nghẹt trong lồng ngực, thường bên ngực trái hoặc sau xương ức, xảy ra khi gắng sức, đi bộ leo dốc, căng thẳng, stress.
Cơn đau kéo dài 3-5 phút, thường dưới 15 phút, lan lên cổ, hàm, hai vai, cánh tay trái hoặc lan sau lưng. Cơn đau giảm khi ngồi nghỉ hoặc ngậm thuốc nitrate. Nếu tình trạng đau ngực kéo dài hơn 15 phút, xảy ra lúc nghỉ, có thể là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện.
Tuân thủ lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa biến chứng bệnh mạch vành. Người bệnh nên tập thể dục thường xuyên; giảm cân nếu dư cân, béo phì (BMI lớn hơn 23); có chế độ ăn tốt cho tim mạch; kiểm soát hiệu quả các bệnh mạn tính đi kèm (đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu); không hút thuốc lá.
Người trên 65 tuổi có nguy cơ cao hẹp mạch vành với triệu chứng không điển hình nên tầm soát bệnh định kỳ.
Thu Hà
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |