ThS.BSNT Lê Mạnh Tăng, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, anh Văn Thanh (44 tuổi, Thái Nguyên) là một trong số những bệnh nhân may mắn phát hiện bệnh rung nhĩ sớm, được điều trị triệt để bằng phương pháp mới.
Theo đó, hệ thống lập bản đồ điện học 3D giúp dựng hình ảnh 3D của tâm nhĩ hoặc tâm thất, tái lập bản đồ điện học, giải phẫu cấu trúc buồng tim. Từ đó bác sĩ đưa năng lượng sóng tần số radio tiến hành đốt xung quanh và cô lập các tĩnh mạch phổi (nguồn gốc sinh ra cơn rung nhĩ) chính xác. Sau 4 tiếng thủ thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh, nhịp tim trở về bình thường (70 nhịp/phút), ăn uống tốt, không đau, không chảy máu, xuất viện sau 2 ngày.

Các bác sĩ can thiệp đốt cơn rung nhĩ bằng sóng cao tần dưới hướng dẫn của hệ thống lập bản đồ điện học 3D. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Đầu năm 2021, anh Thanh đi khám sàng lọc tiêm vaccine Covid-19 phát hiện tim đập nhanh hơn bình thường. Bác sĩ đề nghị anh khám chuyên khoa tim mạch sớm nhưng do bận và thấy vẫn khỏe nên anh chần chừ.
Tháng 7/2022, anh đi khám ở bệnh viện địa phương, chẩn đoán rung nhĩ điều trị nội khoa 3 tháng nhưng không cải thiện. Tháng 11/2022, anh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng mệt mỏi kéo dài, hồi hộp trống ngực, tức ngực, khó thở. Khai thác bệnh sử, khám lâm sàng, dựa trên kết quả siêu âm tim qua thực quản, MSCT mạch phổi,...bác sĩ cho biết anh bị rung nhĩ dai dẳng (thời gian mắc trên 1 năm) và chỉ định can thiệp điều trị bằng năng lượng sóng tần số radio nhằm cắt cơn nhanh, triệt để.
"Nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải biến chứng tắc mạch, nhất là tắc mạch máu não gây đột quỵ, nguy cơ tử vong cao. Rung nhĩ kéo dài còn gây suy tim tiến triển, lo âu, trầm cảm, suy giảm nhận thức ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh", bác sĩ Mạnh Tăng cho biết.

Sau thủ thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh, ăn uống bình thường, xuất viện sau 2 ngày. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Mạnh Tăng, trước đây bệnh nhân rung nhĩ được điều trị bằng thuốc nhằm giúp kiểm soát nhịp tim hoặc thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ hình thành huyết khối. Trường hợp điều trị nội khoa không đạt hiệu quả, hoặc bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể được can thiệp bằng sốc điện. Tuy nhiên, phương pháp này không điều trị triệt để, tỷ lệ tái phát bệnh trong năm đầu rất cao. Việc dùng thuốc kéo dài có thể gây loạn nhịp thất, rối loạn chức năng tuyến giáp, chức năng sinh dục, chức năng đông máu...
Phương pháp điều trị rung nhĩ bằng sóng tần số radio với hệ thống lập bản đồ 3D dẫn đường giúp xác định chính xác vị trí cần can thiệp, điều trị rung nhĩ triệt để, duy trì nhịp tim ổn định lâu dài, tỷ lệ tái phát thấp. Phương pháp rút ngắn thời gian thực hiện, giảm tối thiểu lượng tia X, tránh ảnh hưởng cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Đây là thủ thuật ít xâm lấn, thời gian nằm viện ngắn, tỷ lệ thành công cao, đặc biệt với người trẻ tuổi bị rung nhĩ, tỷ lệ thành công lên tới 95%.
Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này đòi hỏi hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia chuyên môn cao, do đó không nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội là một trong những bệnh viện tư nhân lớn áp dụng kỹ thuật lập bản đồ điện học 3D kết hợp sóng tần số radio điều trị bệnh rung nhĩ.
Rung nhĩ là rối loạn nhịp thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Một số trường hợp rung nhĩ giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng, chỉ tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe. Khi người mắc có dấu hiệu hồi hộp, trống ngực, tức ngực, khó thở, suy tim, đột quỵ... có thể bệnh đã tiến triển.
Người bệnh rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 120.000 trường hợp nhồi máu não mỗi năm, chiếm 25% tổng số trường hợp đột quỵ não. Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), rung nhĩ là nguyên nhân gây ra 26.535 trong tổng số 183.321 ca tử vong năm 2019.
Phó giáo sư Bạch Yến khuyến cáo, nhóm đối tượng nguy cơ cao cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám tim mạch chuyên sâu nhằm phát hiện sớm rung nhĩ, bệnh lý loạn nhịp tim để điều trị kịp thời.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Mai Linh