Theo Mayo Clinic, thoái hóa đốt sống cổ (cột sống cổ) là tình trạng các đĩa đệm cột sống và sụn khớp ở cổ bị hao mòn, mất nước và co lại do tuổi tác. Theo thời gian, các đĩa đệm mỏng dần và mất khả năng chống sốc, làm tăng nguy cơ viêm xương khớp.
Khi cột sống cổ bị thoái hóa, người bệnh thường cảm thấy đau nhức tại cổ, từ âm ỉ ban đầu đến dữ dội về sau, khó xoay cổ hay cúi đầu, thậm chí kèm theo đau vai gáy, cánh tay. Cơn đau thường tăng nặng về đêm, khiến người bệnh trằn trọc, khó chịu, mất ngủ. Nếu không cải thiện sớm, bệnh sẽ khiến cơ thể suy nhược, uể oải, căng thẳng, thiếu tỉnh táo. Nghiên cứu cho thấy, hơn 85% người trên 60 tuổi mắc thoái hóa đốt sống cổ, thường xuyên đau nhức, trằn trọc vì mất ngủ mỗi đêm.
Để có giấc ngủ chất lượng khi bị thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh cần điều chỉnh tư thế ngủ, sắp xếp không gian ngủ phù hợp, massage vùng cổ, chườm nóng hoặc chườm lạnh, xây dựng chế độ ăn, bổ sung dưỡng chất phù hợp.
Theo Tiến sĩ Lê Thúy Tươi, chuyên gia cao cấp về chăm sóc sức khỏe giới tính, nằm ngửa là tư thế ngủ tốt nhất cho người thoái hóa đốt sống cổ, vì tư thế này giúp duy trì các đường cong tự nhiên của cột sống, hạn chế chèn ép dây thần kinh. Người bệnh nên dùng gối ngủ mỏng để kê đầu, ngoài ra có thể kê một chiếc gối xốp, đàn hồi tốt bên dưới cổ và chân, hỗ trợ nâng đỡ các đốt sống và giúp máu lưu thông tốt hơn.
Người bệnh cũng có thể nằm nghiêng để giữ đầu ở tư thế trung hòa, cằm thẳng về phía trước. Trường hợp nằm nghiêng, người bệnh nên kê một chiếc gối đủ cao để giữ cổ ở tư thế dễ chịu, nhưng không cao đến mức tai bị ép về phía vai. Để thoải mái hơn, có thể kê thêm gối giữa hai chân - giúp giữ cho cột sống thẳng hàng. Khi nằm, nên giữ phần thân người tạo góc 120 độ với giường, không nằm nghiêng góc 90 độ hoặc nhỏ hơn (như kiểu con tôm) vì có thể gây chèn ép, tăng áp lực lên các khớp.
Nếu đang phải đối mặt với chứng đau cổ, bệnh nhân nên tránh nằm sấp, bởi tư thế này khiến đầu sẽ bị ép sang một bên trong suốt đêm, khiến cổ bị căng thẳng, cơn đau dễ tăng nặng và thậm chí gây khó thở khi ngủ.
Ngoài quan tâm tư thế ngủ, người bệnh cần dành thời gian để sắp xếp không gian phòng ngủ thoải mái. Nếu gối nằm đã cũ và không phù hợp, hãy thay thế bằng chiếc gối có độ đàn hồi tốt hơn. Ưu tiên dùng nệm cứng thay vì nệm quá mềm.
Giữ phòng ngủ yên tĩnh, tối và thoáng mát. Người bị thoái hóa đốt sống cổ nên hạn chế nằm máy lạnh, thay vào đó dùng quạt điện và gió tự nhiên để không khí lưu thông tốt hơn và giảm cơn đau. Tiến sĩ Lê Thúy Tươi lưu ý, không nên để gió quạt thổi thẳng trực tiếp vào người, nhất là vùng mặt, gáy, cổ vì có thể gây cứng cổ, đau cơ khi thức dậy.
Mỗi người cũng cần tránh các thói quen không tốt cho đốt sống cổ như vận động quá sức, vặn cổ, kẹp điện thoại giữa tai và vai, uống nhiều rượu bia... Nếu đau nhức, người bệnh có thể thực hiện massage nhẹ nhàng, chườm nóng/ chườm lạnh lên vùng vai gáy để giảm cơn đau cấp tính.
Về chế độ ăn uống, người bị thoái hóa cột sống cổ nên tăng cường các thực phẩm giàu canxi như sữa, cá, các loại rau màu xanh đậm..., omega-3 có trong các loại hạt, cá béo, quả bơ..., collagen như thịt gà, cá hồi, nước hầm xương, lòng trắng trứng..., các nhóm vitamin A, B12, C, D, K...
Đặc biệt, để giảm đau, làm chậm quá trình thoái hóa, người bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể bổ sung thêm các dưỡng chất chuyên biệt cho khớp như Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate... Tiến sĩ Lê Thúy Tươi chia sẻ, đây là các thảo dược giúp điều hòa miễn dịch, giảm sản sinh các yếu tố gây viêm, tăng cường tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn, nhờ đó hỗ trợ giảm đau do thoái hóa đốt sống cổ nói riêng và thoái hóa khớp nói chung, giúp xương khớp thêm chắc khỏe, dẻo dai.
Oanh Ngô