Trả lời:
Khô khớp gối là tình trạng giảm tiết dịch khớp gối. Ban đầu, khô khớp chỉ gây ra những tiếng lục cục khi cử động khớp. Theo thời gian, các triệu chứng nặng hơn xuất hiện, làm giảm tầm vận động, cứng khớp, có thể phát triển thành các bệnh lý xương khớp khác, khó điều trị hơn. Bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như lão hóa, vận động quá nhiều hoặc quá ít, chấn thương, béo phì, mắc các bệnh về khớp khác...
Các nghiên cứu đã thực hiện trên thế giới chưa cho thấy vai trò rõ rệt của thực phẩm trong việc hạn chế quá trình khô khớp, thoái hóa khớp. Tuy nhiên, một số thực phẩm có thể hỗ trợ giảm đau phần nào do thoái hóa và tăng tiết dịch khớp, tái tạo sụn khớp như sau:
Axit béo omega-3 là một trong những chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh đau khớp, vì khả năng giảm viêm mạnh, nhất là những trường hợp khớp bị khô đau và sưng cứng. Chất dinh dưỡng này có nhiều trong cá mòi, cá hồi, cá cơm, cá thu, cá trích, dầu gan cá...
Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp canxi dồi dào, giúp xương chắc khỏe, duy trì mật độ xương, phòng ngừa loãng xương, hỗ trợ tiết dịch khớp. Mỗi ngày, người bệnh khô khớp gối nên uống khoảng 200-400 ml sữa hoặc hai hộp sữa chua hay 10-20 g phô mai.
Trứng là nguồn protein hoàn chỉnh, cung cấp các axit amin cần thiết để cơ thể tái tạo mô và sụn khớp, hỗ trợ phục hồi, duy trì khớp chắc khỏe. Choline trong lòng đỏ trứng hỗ trợ các quá trình sinh hóa quan trọng, bao gồm sản xuất phosphatidylcholine, cần thiết cho cấu trúc và chức năng tế bào.
Rau xanh không thể thiếu trong chế độ ăn uống lành mạnh, nhất là với người bị khô khớp gối. Nhóm thực phẩm này chứa nhiều vitamin K, vitamin C và chất chống oxy hóa, hỗ trợ cung cấp dịch nhờn tự nhiên cho khớp, đồng thời kiểm soát cân nặng, từ đó giảm áp lực lên khớp gối và hạn chế tổn thương sụn khớp.
Gừng và nghệ đã được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc. Tác dụng của chúng là chống viêm trong các bệnh về cơ xương khớp và tăng cường miễn dịch, có thể giảm đau khi bị thoái hóa khớp.
Các loại ngũ cốc, hạt, trái cây sấy khô như hạt điều, hạnh nhân, hạt chia, hạt óc chó... chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như axit béo omega-3, chất xơ, magie, protein và vitamin E không chỉ tốt cho xương khớp mà còn có ích cho sức khỏe tổng thể.
Ngoài việc bổ sung các thực phẩm ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị khô khớp gối nêu trên, bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ dùng thuốc hỗ trợ tăng tiết chất nhờn hoặc có thể tiêm trực tiếp chất nhờn (hyaluronic axit) vào khớp. Đồng thời, thực hiện chế độ tập luyện, dinh dưỡng khoa học giúp kiểm soát các bệnh lý liên quan như béo phì, đái tháo đường..., tăng dịch nhờn trong khớp và hạn chế diễn tiến đến thoái hóa khớp.
ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Tú
Đơn vị Nội Cơ xương khớp
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |