Trước đó, chị Hoa lên các diễn đàn học hỏi "bí kíp sinh con trai" từ tháng 5/2023 và thực hiện trong ba tháng, sau đó "thả" để đậu thai.
Tương tự, chị Hà, 32 tuổi, Nghệ An, cũng được các mẹ hướng dẫn mua bộ tạo môi trường kiềm. Theo đó, "chỉ cần bơm vào âm đạo trước 30 phút khi quan hệ sẽ sinh được con trai, độ chính xác đến 99%", cuối cùng chị Hà có "công chúa".
Ngày 15/2, BS.CKI Nguyễn Huy Cường, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết từng tiếp nhận ca phá thai theo yêu cầu ở tuần 12 vì "lý do cá nhân không thể sinh con thứ ba". Vợ chồng chị có con gái 9 tuổi, chồng là con độc đinh. Sau hơn 30 phút tư vấn về nguy cơ nạo phá thai nhiều lần, người phụ nữ buồn bã ra về.
Đây không phải lần đầu bác sĩ gặp trường hợp muốn phá thai con gái để chờ sinh con trai. Theo bác sĩ Cường, giới tính thai nhi được tạo nên do sự kết hợp nhiễm sắc thể của tinh trùng và trứng. Tinh trùng có hai loại nhiễm sắc thể X và Y, trứng mang nhiễm sắc thể X. Nếu trứng gặp tinh trùng X hình thành hợp tử XX (bé gái) còn gặp tinh trùng Y tạo ra hợp tử XY (bé trai).

Bác sĩ khám cho thai phụ dự sinh vào năm Giáp Thìn. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Cuộc cạnh tranh tự nhiên của tinh trùng X và Y trong đường âm đạo của phụ nữ khá khắc nghiệt. Để gặp được trứng và thụ tinh, tinh trùng phải bơi quãng đường khoảng 18 cm từ âm đạo đến vòi trứng.
Các sản phẩm hỗ trợ như gel bôi trơn chỉ có tác dụng giúp vợ chồng dễ quan hệ, không phải màng lọc tiêu diệt các tinh trùng X, chỉ cho tinh trùng Y lưu thông vào vòi trứng. Do đó, về mặt y học không có cách nào đảm bảo sinh được con trai nhờ các biện pháp hỗ trợ canh trứng, thụ thai, ăn mặn, thay đổi môi trường âm đạo...
Bác sĩ Cường lưu ý các thông tin, nhiều sản phẩm hỗ trợ sinh con trai hiện chưa được khoa học kiểm chứng. Hiện, có nhiều hình thức hỗ trợ "có con trai" được các bà mẹ áp dụng như nhờ thầy thuốc tư vấn, nghiên cứu tài liệu sách, báo, dược phẩm, siêu âm canh ngày rụng trứng, canh giờ quan hệ... hầu hết không có hiệu quả.
Môi trường âm đạo của phụ nữ khác nhau ở mỗi người. Nếu tác động thay đổi môi trường âm đạo bằng thuốc uống, dung dịch bôi tại chỗ có thể gây rối loạn, không đảm bảo vệ sinh, tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Sản phụ mang tam thai tự nhiên, sinh hai bé gái một bé trai tại Bệnh viện Tâm Anh vào tháng 7/2023. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chênh lệch giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2022 ở mức cao, khoảng 113,7 trẻ trai trên 100 bé gái, được Tổng Cục Dân số đánh giá là "nghiêm trọng". Năm 2023, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, 112 bé trai trên 100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên khoảng 105/100.
Hiện nay mức sinh ở Việt Nam giảm tương đối nhanh và số con mà một cặp vợ chồng có thể sinh đang ít đi. Tổng tỷ suất sinh năm 2023 Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm ngoái (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con. Hai khu vực là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Điều này tạo ra áp lực khiến các cặp vợ chồng phải sử dụng những biện pháp lựa chọn giới tính trước sinh để sinh được con trai.
Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai. Các dự báo cho rằng đến năm 2034, Việt Nam thừa 1,5 triệu nam giới. Ước tính, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 45.900 bé gái, tức là 45.900 bé gái không có cơ hội chào đời chỉ vì các em là con gái.
Pháp lệnh Dân số 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2008, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm trạng mất cân bằng giới tính như phạt tiền tới 20 triệu đồng với hành vi chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi; cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
Suy nghĩ nhiều và mang bầu khi tuổi cao, chị Hoa bị dọa sẩy, phải nghỉ việc nằm ở nhà dưỡng thai. "Bây giờ vợ chồng chỉ mong con được chào đời khỏe mạnh, không quan trọng gái, trai", chị nói.
Về phần chị Hà, sau khi mang bầu con gái, tình cảm vợ chồng rạn nứt vì chồng giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Chị nhất định không bỏ con. Sau một thời gian ly thân, anh thay đổi, trở về chăm sóc vợ bầu, đưa chị khám thai mỗi tuần. Con gái chị khỏe mạnh chào đời, nặng 3,5 kg.
Tuệ Diễm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |