Ngày 23/10, ThS.BS Tạ Ngọc Hà, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết Sơn bị thoát vị đĩa đệm tại vị trí đốt sống L5-S1 cột sống thắt lưng, nhân nhầy đã thoát ra ngoài bao xơ. "Cú nhảy lên lưng tuy mạnh nhưng đến mức gây thoát vị chứng tỏ đĩa đệm đã bị thoái hóa sớm, mất độ dai từ trước nên gặp tác động đột ngột gây vỡ", bác sĩ Hà giải thích.
Đĩa đệm là một cấu trúc sụn gồm bao xơ bên ngoài và nhân nhầy bên trong, có tác dụng như một gối đỡ đàn hồi giúp thực hiện các động tác cúi, ưỡn, xoay, nghiêng. Thoát vị là tình trạng đĩa đệm bị lệch, trượt hoặc hư hại, vòng xơ bị mòn, rách, nhân nhầy thoát ra. Nguyên nhân thoát vị có thể do thoái hóa cột sống, chấn thương sau tai nạn, mang vác vật nặng sai tư thế...
Đĩa đệm L5-S1 nằm giữa đốt sống thắt lưng thứ 5 (L5) và đốt xương cùng thứ nhất (S1), được xem là bản lề của cột sống thắt lưng. Chúng chịu sức ép từ tải trọng phần trên cơ thể và sự chuyển động từ nhiều phía nên khi bị tác động thì nguy cơ cao thoát vị trước tiên.
Sơn rất trẻ, đĩa đệm, sụn khớp, vòng xơ... đều còn tốt, cột sống không bị mất vững. Do đó, bác sĩ Hà chỉ định phẫu thuật nội soi lấy nhân đĩa đệm thoát vị, giải phóng dây thần kinh, bảo tồn tối đa các cấu trúc khác.
Với kỹ thuật phẫu thuật nội soi cột sống xâm lấn tối thiểu, bác sĩ mở một đường rất nhỏ, đưa ống nội soi có đường kính khoảng 1 cm tạo phẫu trường. Hệ thống C-arm chụp X-quang liên tục giúp bác sĩ thao tác thuận lợi và chính xác. Khối thoát vị được loại bỏ triệt để, vết mổ thẩm mỹ, người bệnh không cần quay lại viện cắt chỉ.
Sau mổ, Sơn hết đau, vận động tốt, xuất viện ngay hôm sau. Người bệnh cần chú ý sinh hoạt, không ngồi lâu, không bê vác nặng, nằm ngủ đệm cứng, rèn luyện các môn thể thao bơi, đu xà, đạp xe giúp giảm áp lực cho cột sống, tránh nguy cơ thoát vị tái phát khiến đĩa đệm ngày một kém đi và mất hẳn chức năng đàn hồi.
Đĩa đệm thường bắt đầu thoái hóa ở độ tuổi 20-25 nên thoát vị thường gặp khi ngoài 30 tuổi. Quá trình thoái hóa đĩa đệm có thể xảy ra sớm ở những người ngồi học, làm việc lâu như học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, tài xế, người thường xuyên bê vác nặng... Thoát vị đĩa đệm chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng lâu ngày có nguy cơ dẫn đến tổn thương thần kinh, gây đại tiểu tiện không tự chủ, các chi teo dần, mất khả năng đi lại.
Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm, bác sĩ Hà khuyên mọi người thay đổi thói quen sinh hoạt như ngồi thẳng lưng trên ghế cứng, đứng dậy vận động 2-5 phút sau mỗi 45-60 phút ngồi; tập luyện thể dục thể thao; ăn uống lành mạnh; không hút thuốc lá. Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng bất thường như đau vùng thắt lưng sau đó lan dần xuống hông, đùi cẳng chân, bàn chân, ngón chân cộng thêm khó di chuyển.
Vân Anh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |