Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh về đường tiêu hóa phổ biến. Ở người bình thường, sau khi thức ăn được đưa vào miệng và xuống đến thực quản (phần ống nối từ miệng đến dạ dày), các cơ thắt thực quản giãn ra để cho thức ăn cùng các chất lỏng đi vào dạ dày rồi lại đóng lại. Tuy nhiên, người bị trào ngược dạ dày gặp tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản khiến cho lớp niêm mạc thực quản bị kích thích.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết béo phì là yếu tố thúc đẩy trào ngược dạ dày thực quản, làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược sẵn có. Bởi mỡ thừa, nhất là mỡ nội tạng, làm tăng áp lực trong ổ bụng, đẩy dạ dày lên trên gây thoát vị hoành, suy yếu cơ thắt dưới thực quản khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản.
Người thừa cân có xu hướng ăn thức ăn có hàm lượng chất béo cao. Nhóm chất này cản trở quá trình bài tiết các hormone tiêu hóa chất béo và protein hoặc hormone ức chế sự thèm ăn, dẫn đến giãn cơ thắt thực quản dưới, giảm khả năng ngăn chặn trào ngược. Thêm vào đó, dạ dày người thừa cân, béo phì thường sản xuất nhiều axit hơn, góp phần tăng nguy cơ trào ngược. Béo phì có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, gây ra tình trạng dạ dày chậm rỗng (gastroparesis) - yếu tố thúc đẩy trào ngược phát triển.
Triệu chứng đặc trưng của trào ngược dạ dày thực quản là ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn. Người bệnh có thể bị đau họng, ho kéo dài và khan tiếng do họng và thanh quản phải tiếp xúc với dịch axit dạ dày thường xuyên dẫn tới viêm, sưng tấy. Do dư lượng axit từ thực quản trào lên, miệng thường tiết ra nhiều nước bọt hơn. Trong quá trình trào ngược, dịch mật có thể xâm nhập vào dạ dày rồi trào lên trên, tạo ra cảm giác đắng trong miệng.
Giảm cân góp phần kiểm soát triệu chứng trào ngược ở bệnh nhân béo phì. Cân nặng ổn định giúp giảm áp lực trong ổ bụng và cải thiện chức năng của cơ thắt dưới thực quản, ngăn chặn axit trào ngược.
Để phòng tránh trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ Hoàng khuyến cáo không để tăng cân quá nhiều, tránh ăn quá no, không dùng các chất có cồn, chia nhỏ bữa ăn 4-5 lần mỗi ngày. Người bị trào ngược dạ dày do stress cần cân đối công việc và tham gia các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí để giảm căng thẳng, lo lắng. Tinh thần thoải mái giúp tăng hiệu quả điều trị.
Trường hợp thay đổi lối sống và điều trị nội khoa 3-6 tháng không hiệu quả, bác sĩ cân nhắc phẫu thuật nội soi hoặc nội soi ngã miệng tạo van chống trào ngược cho người bệnh.
Đức Hạnh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |