Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Tiểu đường là bệnh không lây nhiễm phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng đường huyết tăng và rối loạn chuyển hóa mạn tính. Bệnh võng mạc tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù lòa ở người bệnh tiểu đường.
Triệu chứng
Bệnh võng mạc tiểu đường thường diễn ra âm thầm ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có các triệu chứng bao gồm:
- Tầm nhìn mờ hoặc lượn sóng.
- Tầm nhìn thường xuyên thay đổi.
- Xuất hiện vùng tối hoặc mất thị lực.
- Khả năng nhận diện màu sắc kém.
- Xuất hiện đốm đen trên tầm nhìn.
- Xuất hiện ánh sáng hay lóe sáng khi nhìn.
Giai đoạn
Diễn tiến của bệnh võng mạc tiểu đường thường gồm:
- Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh được đặc trưng bởi các thay đổi vi mạch và thay đổi trong võng mạc như phình vi mạch, xuất huyết, xuất tiết cứng, xuất tiết dạng bông, các bất thường vi mạch trong võng mạc và mạch máu.
- Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh là giai đoạn nặng hơn, đặc trưng bởi xuất hiện tân mạch (mạch máu mới), do tình trạng thiếu oxy máu võng mạc kéo dài. Tân mạch có thể phát triển từ đĩa thị (tân mạch gai thị) hoặc từ các mạch máu nông võng mạc (tân mạch võng mạc).
Cấu trúc của tân mạch mỏng manh, dễ vỡ làm chảy máu. Máu có thể chảy vào trong dịch kính gây xuất huyết dưới dịch kính hay trước võng mạc. Từ đó chúng làm bong võng mạc, tăng sinh xơ mạch, bong dịch kính sau... tạo ra nhiều mảng bám dính dẫn đến giảm thị lực, mù. - Phù hoàng điểm tiểu đường là tình trạng dày võng mạc do tích tụ dịch và xuất tiết cứng tại cực sau, có thể phá vỡ hàng rào mạch máu võng mạc, rò rỉ mạch máu. Phù hoàng điểm có thể xảy ra ở cả bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh và tăng sinh, đe dọa đến thị lực.
Điều trị
Tùy vào tình trạng bệnh mỗi người, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nguyên tắc chung là kết hợp điều trị nội khoa và laser dự phòng mất thị lực, điều trị phẫu thuật khi đã xảy ra biến chứng mất thị lực.
- Điều trị nội khoa là phương pháp tốt nhất để dự phòng bệnh võng mạc tiểu đường hay làm chậm tiến triển bệnh. Mục tiêu là kiểm soát đường huyết gồm HbA1c (chỉ số đường huyết trong 2-3 tháng) dưới 7%, đường huyết trước ăn 80-130 mg/dl, đường huyết sau ăn 1-2 giờ nhỏ hơn 180 mg/dl. Người bệnh cần kết hợp điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hay suy thận.
- Laser quang đông giúp phá hủy tất cả vùng võng mạc thiếu máu (vùng tắc mao mạch) ngăn chặn tăng sinh tân mạch, các vùng khuếch tán phù để tránh phù hoàng điểm.
- Kháng tân sinh mạch máu chỉ định cho các trường hợp phù hoàng điểm, bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh, tân mạch mống mắt và glôcôm tân mạch.
- Phẫu thuật nhằm điều trị biến chứng của bệnh võng mạc.
Biến chứng
Bệnh võng mạc tiểu đường nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ tiến triển thành các biến chứng nặng như:
Tăng sinh tân mạch gây xuất huyết dịch kính, bong võng mạc co kéo, glôcôm tân mạch.
Các tổn thương tại hoàng điểm làm hình ảnh mắt thu được méo mó, thiếu máu hoàng điểm gây mất thị lực trung tâm, điều trị khó khăn.
Để phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường, người bệnh cần khám và theo dõi bệnh tiểu đường định kỳ, kiểm tra mắt thường xuyên ít nhất hai lần mỗi năm. Kiểm soát đường huyết, huyết áp và mỡ máu đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ khi gặp các triệu chứng bất thường về mắt.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |