Ngày 5/9, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng khoảng 70% số ca cấp cứu đột quỵ tại đây mắc bệnh tiểu đường. Nhiều trường hợp kèm thêm bệnh lý tăng huyết áp hoặc bệnh tim rung nhĩ.
Bác sĩ Minh Đức lý giải nguy cơ đột quỵ cao ở người bệnh tiểu đường liên quan đến cách cơ thể xử lý lượng đường trong máu để tạo ra năng lượng. Khi thức ăn được chuyển hóa thành glucose, hormone insulin giúp glucose đi vào tế bào. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường thường thiếu insulin cần thiết hoặc cơ thể không sản xuất đủ insulin. Kết quả làm mức glucose trong máu tăng cao, dẫn đến tích tụ chất béo trong mạch máu lớn.
"Những chất béo này có thể xuất hiện ở mạch máu não, làm suy yếu thành mạch, ngăn chặn dòng máu đến não, làm tăng nguy cơ đột quỵ 2-4 lần", bác sĩ Minh Đức nói.
Tình trạng tăng đường huyết sau ăn ở người bệnh tiểu đường còn làm hình thành nhiều lipoprotein tỷ trọng thấp - yếu tố thúc đẩy xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa phát triển gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đột quỵ.
Việt Nam ghi nhận khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường, hơn 55% gặp biến chứng, trong đó có các bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sức khỏe kém và khuyết tật trên toàn cầu.
Theo bác sĩ Minh Đức, thực tế có rất nhiều người bệnh tiểu đường bị đột quỵ mà không biết hoặc lơ là điều trị. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên chủ quan, phải tuân thủ điều trị.
Đơn cử, bà Lan, 65 tuổi, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM do đột quỵ. Kết quả chụp CT 1975 lát cắt cho thấy bà bị đột quỵ nhồi máu não giờ thứ ba (kể từ lúc xuất hiện triệu chứng đột quỵ). Bà có tiền sử tiểu đường nhiều năm, không tái khám định kỳ và uống thuốc không đều. Bà còn bị tăng huyết áp.
Người bệnh được cấp cứu đột quỵ trong giờ "vàng" và dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Ba ngày kể từ khi nhập viện, bà hồi phục dần, đi lại, nói chuyện bình thường và được xuất viện.
Bác sĩ Minh Đức cho biết đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một phần não bị gián đoạn, dẫn đến tổn thương mô não. Phần lớn các cơn đột quỵ là do cục máu đông chặn mạch máu ở não hoặc cổ. Tăng đường huyết, béo phì, kháng insulin và cao huyết áp là những nguyên nhân chính gây rối loạn chức năng mạch máu nhỏ ở não liên quan đến bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo chỉ định. Tái khám định kỳ và thường xuyên đo đường huyết tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết ở mức cho phép. Chế độ ăn uống của người tiểu đường cần hạn chế tinh bột, thực phẩm nhiều đường, trái cây ngọt, chất béo, mỡ động vật. Không ăn nhiều cơm, hạn chế chè, trái cây sấy khô hay trái cây nhiều đường như sầu riêng, mít, mãng cầu, chuối xiêm, vải, nhãn.
Chọn trái cây có chỉ số đường thấp, chứa nhiều chất xơ, vitamin C. Người bệnh nên hỏi bác sĩ để được tư vấn hàm lượng ăn phù hợp. Nên vận động hàng ngày như đi bộ, bơi lội, giữ cân nặng hợp lý. Nghỉ ngơi điều độ, tránh lao lực cũng góp phần ổn định sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Để phòng đột quỵ, người bệnh tiểu đường, người có các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, cholesterol cao, thừa cân nên khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần mỗi năm. Tùy trường hợp, bác sĩ chỉ định các xét nghiệm máu chuyên sâu, siêu âm tim, chụp MRI, CT sọ não giúp phát hiện sớm các bất thường. Từ đó, bác sĩ can thiệp từ sớm để chủ động phòng ngừa đột quỵ cho người bệnh.
Bình An
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |