(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Xảy ra bệnh thành tích trong giáo dục là do ngành này "vừa đá bóng vừa thổi còi". Điều này cũng đúng với các cơ quan nhà nước chưa tự chủ về tài chính. Mọi người, từ cấp cao nhất đến thấp nhất đều ăn lương nhà nước. Quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động khá mờ nhạt, không tạo ra sự đối lập. Công ty tư nhân hoặc công ty nhà nước tự chủ về tài chính, người sử dụng lao động chỉ quan tâm ai tạo ra năng suất cao, ai có thể tìm được hợp đồng cho công ty nhiều nhất, từ đó phân công công việc, bổ nhiệm chức vụ tương đối công bằng hơn.
Ở nước ngoài, 10 trường học thì chín trường là tư nhân. Bộ Giáo dục chỉ tạo ra đề cương, chương trình học, không can thiệp vào việc giảng dạy của từng trường. Trường nào muốn dùng sách giáo khoa, giáo trình gì thì tự lo liệu, miễn sao theo sát đề cương chung là được. Họ cũng có các đội tuyển đi thi học sinh giỏi như ta, bao gồm cả các môn ngoại khóa như Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật... Nhà trường chỉ là nơi tổ chức học. Phụ huynh muốn con em học môn ngoại khóa gì thì đóng tiền để mời thầy môn ngoại khóa ấy về dạy.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục cũng có ngành ngang, ngành dọc. Ngành ngang là các trường học, từ phổ thông đến đại học. Ngành dọc là các bộ môn. Ngành ngang dạy học, ngành dọc chịu trách nhiệm tổ chức thi cử. Ví dụ, giáo viên Toán lớp 6 dạy học sinh nhưng thi cử thì giáo viên lớp 7 ra đề và chấm thi. Cứ như thế cho đến khi tốt nghiệp phổ thông. Ra đề và chấm thi tốt nghiệp là các quan chức của Bộ Giáo dục. Như vậy, sẽ chẳng ai thiên vị được ai.
Giáo viên dạy học sinh tự ý cho điểm cao nhưng học sinh đi thi đạt kết quả thấp thì danh tiếng của họ sẽ bị ảnh hưởng theo. Như vậy, người ta sẽ dạy học theo kiểu thà ít mà giỏi thật sự. Thành tích của giáo viên cũng được đăng công khai trên bảng ngành để các trường tuyển chọn nhân sự. Tương tự với các ngành nghề khác.
>> Nhiều người bị ám ảnh danh vọng
Khi bạn nộp đơn xin việc ở đâu, người tuyển dụng sẽ xác minh được ngay bạn đã từng làm việc ở chỗ nào, thành tích công việc ra sao, chứ không mù mờ như ở ta. Trừ khi bạn hành nghề tự do, không ai đánh giá được thành tích của bạn, còn đã làm công ăn lương thì họ chỉ việc truy xuất hồ sơ điện tử về nghề nghiệp của bạn là ra hết, chẳng chạy đi đâu được.
Người dân nước ngoài cũng đóng thuế cho giáo dục. Tiền thuế ấy được phân bổ theo xếp hạng trường học, bất kể công hay tư. Mọi trường học đều chạy đua giành thứ hạng cao hơn để được phân bổ nhiều tiền hơn. Đứng đầu tiêu chí xếp hạng luôn là thành tích học tập của học sinh rồi mới đến cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên. Học sinh giỏi được học bổng là do vậy.
Trường giàu học phí cao là với học sinh bên ngoài địa giới hành chính của địa phương đó. Với học sinh cư ngụ tại địa phương, học phí không đáng kể (điều này cũng đúng với cả những trường đại học top đầu như Harvard). Trong khi đó ở ta, trường công và công ty nhà nước như con ruột, còn trường tư và doanh nghiệp tư nhân thường bị ghẻ lạnh. Còn phân biệt đối xử như vậy thì làm sao đánh giá thành tích khách quan được?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.