(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố. Tuy không chịu nhiều áp lực như đa số các bạn nhỏ ngày nay, nhưng thời đi học, tôi cũng được bố mẹ đầu tư học hành thầy giỏi, lớp xịn. Ngược lại, chồng tôi là dân quê chính hiệu, ngày nhỏ mải chăn trâu, đánh trận giả đến quên cả mặt chữ. Sau này, chúng tôi đều thi đỗ vào đại học có tiếng và có công việc tốt.
Tôi gần như không bao giờ nghĩ vốn kiến thức của mình lại thiếu đến vậy, cho đến khi gặp chồng và được anh dẫn về quê chơi. Dù nghe cô giáo giảng cả trăm lần rằng Việt Nam là nước thuần nông, nhưng tôi không biết cây rau mình ăn hàng ngày trồng như thế nào, lúa đòng ăn có vị thơm, trứng ốc bươu vàng màu hồng, hoa bèo tím... Thậm chí, khi chồng hái lá ven đường bảo ăn được cũng khiến tôi bất ngờ.
Tôi nhận ra tuổi thơ của mình đã bỏ lỡ quá nhiều điều, những thứ mà lẽ ra đứa trẻ nào ở Việt Nam cũng biết. Bây giờ, khi đang mang thai đứa con đầu lòng, tôi tâm sự với chồng, sợ con bị đẩy vào guồng quay chỉ biết đến học. Tôi chỉ mong sau này con đủ cứng cáp, tôi có dũng khí để mỗi mùa hè lại cho con về ở với ông bà nội, để được tự do khám phá cuộc sống, thiên nhiên.
>> Con tôi học thêm đạt loại giỏi, không học chỉ loại khá
Năm lớp 11, tôi cãi nhau với mẹ, xin nghỉ toàn bộ lớp học thêm đã đóng tiền cả chục triệu đồng mỗi tháng, để đi học lò luyện học phí 20 nghìn đồng mỗi buổi. Nhờ đó, lịch học của tôi rất nhàn, tôi có thời gian ôn lại kiến thức đã học. Còn chồng tôi thậm chí chẳng học thêm.
Có thể đọc đến đây, nhiều người nghĩ tôi đang trách bố mẹ và rằng nếu không có sự đầu tư trong quá khứ tôi sẽ chẳng có ngày hôm nay. Tôi không hề có ý trách ai. Tôi chỉ muốn nêu lên một vấn đề rằng liệu các phụ huynh hiện đại có đang hiểu con mình cần gì để định hướng không?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.