(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Trong từ điển tiếng Việt, "danh vọng" được coi là tiếng tăm và sự trọng vọng của dư luận xã hội, là địa vị cao được xã hội tôn trọng, và nó trở thành một nguồn động lực giúp bản thân con người cố gắng. Trong thang nhu cầu Maslow, một trong những học thuyết tạo động lực được sử dụng thường xuyên, những nhu cầu tạo động lực bậc cao nhất là nhu cầu được tôn trọng và tự hoàn thiện, chúng ta đều có nhu cầu cho sự thỏa mãn về quyền lực, uy tín, và địa vị chúng ta muốn làm cho cái tiềm năng của bản thân mình đạt mức tối đa. Chính vì vậy, người ta dựa vào chúng để khai thác nhằm khơi gợi động lực từ việc học tập, làm việc, thể dục thể thao... và thậm chí là cả chính trị.
Trong xã hội chúng ta, việc khai thác danh vọng nhằm tạo động lực diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực. Có nhiều cuộc thi, chương trình, giải thưởng về âm nhạc nhằm khuyến khích các nhà sản xuất, nghệ sĩ sáng tạo và phát triển những sản phẩm mới xuất sắc hơn. Sự bùng nổ của nhiều nền tảng mạng xã hội đã khiến nhiều nghệ sĩ có nhiều kênh để chứng tỏ được năng lực của bản thân và thu hút lượng lớn người hâm mộ. Vì thế, những cuộc thi tài năng hay mạng xã hội Facebook, Youtube là nơi thắp sáng nhiều tài năng, tạo ra cơ hội cho nhiều người được khẳng định mình.
Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta có những danh hiệu dành cho các trường, có các cuộc thi, chương trình về kiến thức để học sinh phấn đấu học tập và khẳng định bản thân thông qua các giải thưởng đạt được. Ở phạm vi nhỏ hơn, việc cấp bằng khen học sinh hay công bố điểm học các môn cũng là những cách nhằm khuyến khích học sinh quyết tâm học tập nhiều hơn bằng cách cạnh tranh điểm số với bạn bè.
Tôi công nhận rằng dường như cách làm này có phần nào đó giúp nâng cao động lực học tập và làm việc để đạt được những kết quả tốt hơn. Theo Vụ Giáo dục Tiểu học, 92,08% học sinh Việt Nam đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm, đứng top đầu ASEAN. Nhưng liệu chính việc xây dựng các tiêu chí đánh giá cho các danh hiệu dành cho các trường học này có tạo nguy cơ nảy sinh "bệnh thành tích" không?
Có một giáo viên tiểu học ở Sơn La đã từng tâm sự với tôi rằng nhiều học sinh lớp 5 còn chưa thuộc bảng cửu chương, vẫn chưa biết đọc và đánh vần câu, ấy vậy mà vẫn được đánh giá học lực tốt. Tôi thật sự băn khoăn tại sao những học sinh như vậy vẫn có thể lên lớp được? Cô giáo đó kể, cách dạy mới thì giáo viên chỉ được hướng dẫn còn học sinh tự thảo luận, mặc dù chất lượng thực tế còn rất kém cỏi cùng với việc ép chỉ tiêu số lượng học sinh giỏi, xuất sắc từ phía cấp trên thì giáo viên ai cũng nhắm mắt cho học sinh đạt học lực tốt theo chỉ tiêu vì sợ hạ thi đua.
Nguyên nhân ở đây một phần do hoạt động kiểm soát về chất lượng giáo dục còn lỏng lẻo, nhưng từ đây thấy rõ ràng rằng bản thân nhà trường đang quan trọng thành tích hơn là chất lượng của học sinh. Trên thực tế, vấn đề lạm phát điểm càng ngày càng diễn ra phổ biến hơn, nhà trường cần thành tích để được công nhận danh hiệu. Bản thân các danh hiệu sinh ra để khuyến khích các trường nỗ lực là không sai, nhưng các thành tích đó được coi như là dấu ấn khiến bản thân các trường theo đuổi, tới nỗi quên đi cái chất lượng đào tạo thì là điều đáng trách.
Giáo dục đâu cần danh hiệu, cái giáo dục cần là tạo ra những sản phẩm chất lượng. Việc quá mê những thành tích hay danh vọng có thể tạo ra sự bất bình đẳng về mặt tinh thần đối với xã hội. Thực tế là các giải thưởng lớn, thành tích cao lại không phải thuộc về số đông mà là số ít người có năng lực nhất, việc khuyến khích đạt được danh vọng rõ ràng tạo ra những trạng thái cảm xúc khác nhau giữa những nhóm người khác nhau.
Cách đây vài năm, mạng xã hội rúng động về chuyện một học sinh THPT tự tử vì những khủng hoảng tinh thần trong học hành, điểm số, và áp lực của gia đình đã được nói trong thư tuyệt mệnh của em. Mặc dù em được mọi người đánh giá là học lực rất tốt, lẽ ra phải hạnh phúc với những gì mình có, nhưng dường như bản thân người có năng lực tốt vẫn phải chịu áp lực đạt được những thành tích lớn hơn nữa. Vậy liệu bao nhiêu mới là đủ?
Các "kiểu mẫu" về học sinh xuất sắc mà người ta thường kể cho nhau nghe đã vô tình tạo ra những áp lực đối với những người học lực kém hơn, đó là những áp lực phải noi gương người này người kia để đạt được những thành tích nhất định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra thói đố kỵ, ghen ghét khi bản thân học sinh bất lực trước những kết quả của mình.
Một bộ phận không nhỏ phụ huynh dường như đã kỳ vọng quá nhiều vào con cái thông qua thành tích học tập, bản thân học sinh cũng có phần sợ mình kém cỏi hơn bạn bè. Áp lực về học hành mà chính xác hơn là thành tích mà bản thân các em chịu đựng đã tạo nên một sức ép rất lớn về mặt tinh thần. "Bệnh thành tích" đã khiến cho học sinh chịu tổn thương lớn. Số liệu cũng cho thấy những căn bệnh về tâm lý đối với học sinh đã ở mức báo động. Theo UNICEF, khoảng 8-29% trẻ vị thành niên bị sức khỏe tâm thần, ước tính khoảng ít nhất ba triệu thanh thiếu niên có vấn đề tâm lý, mà kỳ vọng của cha mẹ và áp lực học tập là những nguyên nhân chính.
>> Học sinh Việt cần động lực hay áp lực?
Bệnh mê danh vọng dường như đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta, bản thân nó cũng khiến nảy sinh những tật xấu khác mà trong đó phải kể đến thói sĩ diện. Ở xã hội nước ta có những câu như "một người làm quan, cả họ được nhờ", người ta sĩ diện khi làm "ông này, bà kia" và thậm chí chỉ cần có quan hệ họ hàng với những người có địa vị cao trong xã hội đã có thể sĩ diện được rồi.
Thói sĩ diện này còn tạo cơ hội cho thói nịnh bợ nảy sinh, mà chính thói sĩ diện cùng với những đặc quyền của vị trí cao đã trở thành một nguyên nhân chính khiến cho nạn chạy chức chạy quyền ở Việt Nam còn rất phức tạp.
Dường như hầu hết mọi người đều có nhu cầu được tạo ra dấu ấn. Dấu ấn ở đây có thể là khiến người khác tung hô thông qua truyền thông hay khen thưởng, công nhận, sự thăng tiến, có tiếng nói với người khác... chính điều đó là các hình thức biểu hiện của danh vọng.
Sự đa dạng của những hình thức biểu hiện này khiến chúng ta có nhiều động lực để phải làm việc hơn, cố gắng nhiều hơn để đạt những mục tiêu khác nhau, nhưng việc quá quan trọng nó đã tạo ra những tác động không tích cực như bất bình đẳng tinh thần trong xã hội, bệnh thành tích, thói hư tật xấu nảy sinh vì danh vọng. Vì vậy, theo như Leszek Kolakowski, người đoạt giải John W. Kluge (được xem như giải Nobel cho ngành khoa học nhân văn), danh vọng cũng không xấu chỉ khi mà chúng ta không ám ảnh bởi chúng, và coi đó như là chất xúc tác cho việc đạt được những thành tựu của mình.
>> 'Tôi hài lòng dù con xếp hạng gần cuối lớp'
Theo tôi, chúng ta thực sự nên giảm thiểu các hoạt động liên quan đến tung hô cá nhân, đồng thời xây dựng văn hóa tự do riêng cho mỗi người. Trong bài "Học để tự do", GS. Nguyễn Lân Dũng đã cho rằng "học để thành người tự do, tự do tư tưởng chứ không bị áp đặt bởi người khác, tự do lựa chọn điều mình yêu,tự do kiến tạo nên mục tiêu của đời mình, tự do thức tỉnh theo những giấc mơ". Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng chúng ta đang hướng tới mẫu người tự do, chúng ta tự do tìm cách hoàn thiện bản thân mình.
Để làm được như vậy, cần thiết phải có sự kết hợp của nhiều nguồn lực xã hội bao gồm Chính phủ, cá nhân và các tổ chức xã hội, với một số giải pháp cần thiết như: lập kế hoạch hằng năm về việc xây dựng phát triển con người, cần thiết đề cập tới nội dung hạn chế việc tung hô cá nhân, và nâng cao văn hóa tự do, ví dụ như chỉ giữ lại một số cuộc thi quan trọng, trao giải tập thể nhiều hơn, hạn chế hoạt động liên quan tới tung hô các cá nhân, bảo vệ thông tin riêng tư...
Trong hoạt động triển khai kế hoạch nên có sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội về việc truyền thông các nếp sống văn minh tới nhân dân, cụ thể như: không coi trọng quá nhiều danh vọng, các chương trình đào tạo cần định hướng lấy người học làm trung tâm và quan điểm học tập suốt đời hướng tới những con người tự do trong tư tưởng, đi cùng với đó cần có các hoạt động đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch nghiêm túc. Đối với các tổ chức có thể sử dụng việc tạo động lực cho cá nhân trong tổ chức bằng các xúc tác như trao quyền nhiều hơn cho các cá nhân được làm việc đồng thời gia tăng trách nhiệm phải tương xứng, đặc biệt khu vực công, trong đó trách nhiệm giải trình cần được nâng cao hơn nữa.
Để phát triển văn hóa và con người Việt Nam là một quá trình dài tích lũy, trong quá trình đấy bên cạnh việc phát triển con người đồng thời phải loại bỏ những lối suy nghĩ không phù hợp. Dù đó là quá trình dài, nhưng với việc quyết liệt hành động thì có thể thu ngắn lại, đặc biệt trong quá trình phát triển đất nước với bối cảnh hội nhập toàn cầu thì yêu cầu phát triển con người là quan trọng hơn cả.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.