Xung quanh câu chuyện "Những gia đình 'vật vã' vì con thi cuối cấp", độc giả Trà Hoa Nữ chia sẻ quan điểm trái ngược về cách dạy con của mình:
Chẳng lẽ chỉ mình tôi có tư tưởng không coi trọng điểm số, trường chuyên hay lớp chọn cho con hay sao? Tôi chỉ động viên con có tinh thần tự học, ý nghĩa của việc học, chứ chẳng bao giờ bắt ép con phải học trường này, lớp nọ, đạt điểm số, thứ hạng bao nhiêu? Tôi ra luôn chỉ tiêu cho con 'miễn đừng ở lại lớp là được'.
Hiện con tôi vừa kết thúc năm lớp 6 tại trường ở TP HCM. Học kỳ một, con đạt điểm trung bình 8,7, xếp hạng 34/48 trong lớp. Tôi hỏi: "Con cảm thấy mình đã cố gắng hết sức chưa? Nếu con nghĩ đã cố gắng hết sức rồi thì má rất hài lòng về kết quả này". Bé bảo: "Con chưa cố gắng hết sức" và kết quả học kỳ hai con đạt điểm trung bình 9,2, xếp thứ 15/48. Tôi thưởng ngay một chuyến du lịch cho con. Con tôi hỏi: "Sao con đứng thứ 15 thôi mà má vui dữ vậy?". Tôi trả lời: "Má vui vì con đã nỗ lực hết mình, kết quả bao nhiêu không quan trọng". Nghe vậy, con tôi đáp: "Năm sau nhất định con sẽ lọt top 10".
Đồng tình với quan điểm không tạo áp lực học tập cho con, bạn đọc Thúy Thúy chỉ ra sai lầm của nhiều cha mẹ Việt:
"Trẻ con cần phải được phát triển tự nhiên theo sở thích và cá tính của mỗi đứa. Nếu bắt các em học tràn lan như vậy, nhiều khi không đúng sở trường mà vẫn phải học, sẽ khiến các em có thể giỏi nhiều môn nhưng sau này sẽ không xác định được bản thân mình thích gì và cần phải làm gì?
Các phụ huynh cấm không cho chúng đọc truyện tranh., nhưng họ có biết truyện chúng đọc thuộc thể loại gì, sao lại cuốn hút hơn cả những bài học trên trường không? Vì có những bộ truyện nội dung là những vấn đề cuộc sống, là một thế giới nhiều màu sắc, là tình yêu, tình bạn, tình thân, là những điều mà trong nhà trường không bao giờ dạy chúng. Chúng tự do khám phá cuộc sống tươi đẹp và thú vị chứ chẳng hề khô khan khó hiểu như những bài học trên lớp.
Nếu con thích học Văn thì đừng ép chúng học Toán. Hãy đầu tư môn Văn cho chúng. Vì nếu đầu tư cho cả Văn và Toán thì chúng không có thời gian phát triển môn thế mạnh. Từ đó, chúng mất luôn và quên luôn sở trường văn chương của mình. Sau này trưởng thành, người ta cũng chỉ tập trung vào sở trường của bản thân thôi. Việc giỏi toàn diện hết các môn học, cuối cùng nhìn lại thật ra lại chẳng giỏi cái gì. Rồi sau đó lại phải tốn thời gian để đi tìm lại chính mình".
>> Đời tôi lãng phí những lớp học thêm
Nhấn mạnh tác hại từ việc áp đặt mong muốn của người lớn lên trẻ nhỏ, độc giả Huynh Mai khẳng định:
"Làm như vậy thật độc ác và ích kỷ. Nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chăm vào ý muốn của bản thân, vào sự ganh đua với phụ huynh khác. Họ không thành công nên muốn con cái phải cố gắng thành công theo ý muốn của mình, rồi đánh cắp tuổi thơ, ước mơ, quá khứ, hiện tại và cả tương lai của tụi nhỏ. Có bao giờ các bạn hỏi con thích gì, có vui vẻ không? Không phải chúng không nỗ lực, mà vì mục đích của cha mẹ không phải cái chúng cần, không phải là nơi chúng muốn đến. Vậy khác nào chúng là cá mà cứ ép phải leo cây?
Thành công có nhiều con đường, các bạn thấy người khác học giỏi, làm lương cao thì bắt con cũng phải như vậy sao? Cuộc sống mỗi người mỗi khác, sở thích mỗi người mỗi khác, đó là vì sao chúng ta có Quang Hải, Công Phượng, có Ánh Viên, có bầu Đức... Nước ngoài có trẻ tiểu học đã giỏi lập trình, giỏi kinh doanh, vì chúng được tự do theo đuổi ước mơ, sở thích của mình. Chỉ có phạm nhân là bị cầm tù và không được phép làm trái, nhưng nhìn lại tụi nhỏ ngày nay, chúng cũng chẳng khác gì tù nhân bị giam lỏng".
So sánh giữa cách giáo dục của phương Tây và Á Đông, bạn đọc Le Samouraï cho rằng:
"Thực ra bao đời nay vẫn thế, cha mẹ ai cũng muốn điều tốt nhất cho con cái. Mục đích cơ bản là tốt nhưng phương cách khác nhau thì sẽ cho những kết quả là những đứa con khác nhau. Về điểm này, một lần nữa sẽ thấy sự khác biệt rõ trong cách dạy con của phương Tây và Á Đông (vốn mặc định xem việc học là con đường duy nhất phải đi và học không chỉ cho mình mà còn cho gia đình nữa).
Tôi không có ý đề cao bên nào, hoặc cách nào hay hơn, vì nó còn tuỳ thuộc từng trường hợp, nhưng rõ ràng người nước nào cũng muốn điều tốt cho con cái. Chỉ có điều, ở phương Tây, có cảm giác trẻ con được "sống cân bằng hơn", nghĩa là ngoài việc học, chúng vẫn có nhiều thứ thuộc về tự do cá nhân, được nêu quan điểm riêng, trò chuyện thẳng thắn với người lớn, chứ không chỉ mang áp lực vô hình là cắm đầu học vì nghe lời. Đó cũng là thứ chúng ta nên xem xét học hỏi vì thực sự điều đó tốt cho trẻ.
Tôi thấy, làm cha mẹ, ai cũng sẽ có phương cách riêng nhưng điều quan trọng là sự tôn trọng thì lại bị bao thế hệ gia đình xem nhẹ, cả trong việc học hay cuộc sống nói chung. Liệu có bao nhiều cha mẹ sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn, lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ của con, thay vì võ đoán rằng 'trẻ con thì không biết gì', hay 'con không nghe lời là không ngoan'?".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lê Phạm tổng hợp