Phản đối việc "Học 14 tiếng mỗi ngày để thi vào lớp 10 công lập", độc giả Lê Hiếu chia sẻ câu chuyện thành công của bản thân dù không phải học quá nhiều:
"Học như thế này chẳng khác gì tra tấn bản thân. Nếu đây là thi vào đại học tôi còn có thể hiểu nổi. Nhưng đây chỉ là một cuộc thi THPT bình thường mà làm vậy là hơi quá. Năm xưa, tôi vừa học vừa chơi, kết quả mỗi tháng rất tệ, nhưng khi thi THPT vẫn đủ điểm để vào bất kỳ trường top nào của thành phố. "Văn ôn võ luyện" nhưng cũng phải có mức độ, hợp lý thì mới có được hiệu quả cao nhất. Chứ chỉ ngủ hai tiếng mỗi ngày, còn lại để học là một điều không thể chấp nhận ở lứa tuổi học sinh".
Đồng quan điểm, bạn đọc Kính Lúp cũng chia sẻ phương pháp ôn thi nhàn tênh nhưng vẫn đạt kết quả tốt của bản thân:
"Nếu đề thi không quá khó và vượt quá nội dung học thì việc bỏ quá nhiều thời gian ôn thi cho thấy các bạn này đã sai phương pháp học. Còn nhớ hồi trước tôi thi đại học, tuy không phải dạng giỏi nhưng tôi chẳng bao giờ thức khuya quá 12h đêm để học. Tất cả kiến thức đều có trong sách, thời gian học trên lớp chỉ cần chăm chú, ở nhà nghiêm túc học thì rất nhàn. Thậm chí, tôi chỉ thức để xem World Cup chứ không học khuya, trước hôm thi đại học 1-2 ngày tôi không học gì hết, chỉ nghỉ ngơi thư giãn. Cách học của tôi là luôn luôn hệ thống kiến thức, tự mình tổng hợp lại thành sơ đồ. Cách này là nhẹ nhàng nhất và rất hiệu quả".
Cũng với phương pháp học nhẹ nhàng, độc giả Bluesea106 nhấn mạnh tác dụng của việc giả bớt áp lực thi cử:
"Cách đây 23 năm, tôi học lớp chín. Buổi sáng đi học đến 11h30 rồi về nhà ăn cơm trưa, buổi chiều tôi ở nhà chơi hoặc giúp mẹ việc nhà. Buổi tối thì học bài cho ngày mai. Bạn bè xung quanh cũng chẳng ai học nhiều như trẻ em bây giờ. Biết là mỗi thế hệ khác nhau nhưng trẻ em thì thế hệ nào cũng cần có tuổi thơ. Tôi rời Việt Nam sau lớp chín, học Đại học ở Canada và thấy học sinh bên này ít bị áp lực thi cử. Các em không hề phải thi chuyển cấp. Biết rằng so sánh hai quốc gia thì sẽ khập khiễng nhưng tôi thấy khi trẻ em còn quá nhỏ mà đã bị áp lực như vậy thì không tốt".
>> 'Tôi hài lòng dù con xếp hạng gần cuối lớp'
Khẳng định sai lầm của việc học quá nhiều, đồng thời đề cao sự cân bằng giữa học tập và hoạt động thể chất, bạn đọc Phuoc Nguyen chia sẻ:
"Lấy cần cù bù khả năng, chăm học là tốt nhưng học quá nhiều sẽ làm suy kiệt sức khỏe, nhỡ đến ngày thi lại ốm thì bỏ dở. Người thông minh là người biết cân bằng giữa việc học và hoạt động ngoại khóa. Học quá nhiều thường bị trầm cảm, kém giao tiếp, chỉ có thế giới sách vở. Tôi đã từng chứng kiếnnhiều bạn phải vào viện tâm thần để điều trị. Xã hội này có nhiều điều để học hỏi khám phá, học sinh Việt Nam chỉ giỏi lý thuyết, nhưng khi các công ty tuyển dụng họ rất đau đầu khi phải đào tạo lại từ đầu, mà kiến thức đó chỉ khi va chạm xã hội mới có tích lũy được".
Với tư cách là một người mẹ có con nhỏ đang đến lớp, độc giả Nguyễn Thị Thanh Thủy gợi ý phương pháp nuôi dạy con mà không tạo áp lực về học hành, thi cử:
"Tôi có hai con nhưng chẳng bao giờ muốn con mình áp lực về học hành như vậy. Tôi không thích con học thêm nhiều, thi trường nào hợp năng lực thì thi, không cố quá. Học quên ăn, quên ngủ là tôi thấy không ổn. Sau này nếu không vào ngành nọ, ngành kia thì ra buôn bán, làm thuê, miễn sao có thu nhập là được. Nhiều người bỏ ra bao nhiêu tiền đầu tư cho con học rồi ra trường xin việc, được đồng lương vài triệu ít ỏi, làm 20 năm không đủ tiền bố mẹ bỏ ra ban đầu.
Kiến thức sách vở chỉ là một phần, các con còn cần học kỹ năng sống nữa. Học giỏi mà kém phần khác thì chưa chắc đã ổn, ví dụ như biết kiếm tiền mà không biết giữ và bị lừa hết thì cũng bằng không. Nhiều bạn học ở trường lớp thì giỏi, nhưng ra ngoài lơ ngơ chẳng biết gì, không bằng bạn học bình thường nhưng nhanh nhẹn. Chưa kể đến vấn đề quá kỳ vọng danh lợi, đến khi không đạt được thì càng thất vọng nhiều.Tôi có người anh họ, học nhiều quá bị "tẩu hỏa", nhà trường gọi bố mẹ lên đón về và nuôi báo cô mấy chục năm đến giờ. Tóm lại, học nhiều quá cũng không hay".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.