Nói về câu chuyện "áp lực học giỏi đè nặng lên học sinh Việt", độc giả Lê Tùng bày tỏ quan điểm cho rằng những áp lực khi còn trên ghế nhà trường là cần thiết để chuẩn bị tâm lý bước vào cuộc sống trong tương lai:
"Đi học chỉ là bài kiểm tra nhẹ cho việc sau này đi làm. Khi đi làm, áp lực doanh số, áp lực deadline, áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực trả nợ, trả góp... nặng gấp trăm lần đi học. Trẻ em và học sinh Việt do được gia đình quá bao bọc nên khả năng chịu áp lực hay độ lỳ không bằng trẻ phương Tây. Ở các nước phương Tây, khi đủ 18 tuổi là bạn phải ra khỏi nhà tự lo, vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống, học xong lại mang món nợ lớn tiền học phải trả sau này.
Còn học sinh, sinh viên Việt Nam, nhiều em được gia đình lo cho từ A tới Z, chỉ phải lo mỗi việc học mà cũng làm không nổi thì còn gì để nói? Ở bên Âu - Mỹ, người yếu đuối kiểu đó sẽ bị đào thải, chỉ còn lại những người bản lĩnh, mạnh mẽ giúp ích được cho đất nước, xã hội mới được trọng dụng, tiếp tục đi lên. Sinh viên Mỹ đi thực tập trong các công ty tài chính ở phố Wall, mỗi ngày chỉ ngủ hai tiếng hoặc không ngủ là bình thường. Thậm chí, từng có người chết vì làm việc quá sức, nhưng cũng vì thế mà phố Wall mới trở thành trung tâm tài chính số một thế giới".
>> 'Tôi hài lòng dù con xếp hạng gần cuối lớp'
Có quan điểm trái ngược, bạn đọc Nguyễn Thành Trung lại nhận định rằng cái học sinh Việt cần là động lực chứ không phải áp lực:
"Áp lực là tốt nhưng phải vừa đủ. Giống như khi bạn vắt một quả cam, nếu vắt nhẹ thì ra ít nước, còn vắt mạnh quá thì nát cả vỏ, vắt vừa đủ thì được ly nước cam ngon lành. Cái mà học sinh Việt cần thực ra là cần động lực, chứ không phải áp lực. Như một đứa trẻ, bạn dụ nó bằng một cây kẹo để nó chạy đến chỗ bạn, nó sẽ hứng thú và có động lực, bởi nó nhìn thấy phần thưởng. Ngược lại, nếu bạn mà đánh nó để nó đau mà chạy đi thì không hề tốt.
Trong giáo dục, các em học sinh cũng cần được khuyến khích với những thành tích tốt thì các em sẽ được điều gì trong tương lai, phần thưởng nào cho nỗ lực của các em... chứ không phải là gây áp lực phải giỏi hơn bạn này, bạn kia, phải thế này, phải thế nọ. Đấy là một hình thức ra lệnh và bóc lột tinh thần, trong khi phần thưởng không hề được nhắc đến mà chỉ là những danh tiếng hão huyền dành cho cha mẹ, thành tích cho nhà trường, là những căn bệnh thành tích ăn sâu vào xã hội. Các bậc cha mẹ nên bỏ suy nghĩ rằng con là khoản đầu tư, hay đỉnh vinh quang gì đó. Chúng không cần phải là người giỏi nhất, chỉ cần giỏi là được, và phải nghĩ cho tương lai của con chứ đừng ích kỷ nghĩ rằng tiếng tăm của con cũng là của mình".
>> Theo bạn trẻ em Việt cần áp lực hay động lực? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.