Chia sẻ xung quanh câu chuyện "Con tôi học thêm đạt loại giỏi, không học chỉ loại khá", nhiều độc giả VnExpress cho rằng chính phụ huynh với những áp lực về điểm số là một phần nguyên nhân chính khiến những lớp học thêm có đất sống:
Tôi thấy rất buồn khi nghe những bậc cha mẹ thúc ép con cái mình phải học cho giỏi bằng bạn bè. Cha mẹ định hướng sai khiến con cái khổ sở tranh đua vô ích trong lớp học. Tôi cũng từng trải qua thời gian học. Tôi cho rằng mục tiêu của học sinh là vui chơi, học kỹ năng mềm, giao tiếp, ứng xử, tạo cảm hứng trong việc học, và tập trung vào điều làm các em hứng thú nhất, chứ không phải tập trung vào ganh đua điểm cao thấp các môn theo mong muốn cha mẹ.
Cái cần nhất sau này cho các em khi ra trường là kỹ năng mềm. Có cảm hứng trong cuộc sống và công việc thì các em mới có thể tự học. Tự học hỏi mới là chính yếu. Học thêm thật nhiều cũng chẳng thể so sánh với khả năng yêu thích tự học hỏi của mỗi học sinh. Bạn ép học thêm nhiều khi còn phản tác dụng, gây hại chứ không có lợi cho con cái.
(Học thêm tràn lan) vì con chưa đủ giỏi và phụ huynh vẫn quan trọng điểm số hơn kiến thức. Hồi lớp 10, tôi không học thêm; sang lớp 11 mới bắt đầu luyện Toán để thi Đại học; lớp 12 luyện thi Lý. Nhưng tôi học của thầy giáo trường khác vì cô dạy Toán của tôi rất tệ. Cô cũng cho bài theo bài cô dạy thêm nhưng không thành vấn đề với tôi vì bài nào tôi cũng giải được, chỉ có nhiều bài cô bí chứ không có bài mình bí. Cuối năm lớp 11, cô đứng trước lớp khen tôi rất giỏi.
Thông thường việc học thêm là do tâm lý cha mẹ sợ cô làm khó này nọ. Con tôi học lớp sáu, và tôi cũng dã trải qua cảm xúc như tác giả. Nhưng tôi tuyệt đối không cho con đi học thêm. Kết quả vừa rồi, tổng kết điểm trung bình của con đạt 9,5. Rút kinh nghiệm từ lớp sáu, bước qua lớp bảy, tôi đang thuê gia sư tại nhà cho con luyện Toán nâng cao và môn tiếng Anh tôi thuê luôn giáo viên Mỹ dạy tại nhà, các môn khác con tự học.
Phương pháp dạy giờ khác xưa nên tôi không can thiệp, chỉ kiểm tra giờ giấc học của con. Tôi không khuyến khích con học tủ, học theo đề cương để thi mà học là để nắm kiến thức và có tư duy thì dạng bài nào con cũng làm được.
>> Trưởng hội phụ huynh nhắn tin vận động cả lớp đi học thêm
Nhà tôi có hai bé lớp chín và lớp ba. Từ khi con đi học, tôi đã xác định là nhận thức của các cháu mới là điều quan trọng và vì vậy tôi quyết định không cho con đi học thêm (ngoại trừ hai buổi mỗi tuần học tiếng Anh). Các bạn cháu học thêm bình thường vẫn được điểm cao và đạt học sinh giỏi, nhưng cháu nói một số bạn đó đi thi hay copy bài và sử dụng tài liệu.
Mặt khác, theo tôi, ngành giáo dục cần xem lại việc đánh giá năng lực học sinh, khen thưởng và điểm số. Các lớp học bây giờ phần lớn là học sinh giỏi (nhiều lớp 100%) và giấy khen thì tràn lan. Nhìn đống giấy khen mà thấy không có cảm xúc gì hết vì thấy nó quá tầm thường và dễ dàng. Thế hệ chúng tôi (1970) học sinh tiên tiến cũng đã là hiếm lắm rồi. Môn Văn thì rất hiếm có người đạt điểm 8 (cực kỳ xuất sắc), nhưng hiện nay môn Văn điểm 10 rất nhiều. Đó là bệnh thành tích của giáo dục và cả các bậc phụ huynh nữa. Thực tế, các cô dạy thêm hiện nay vì mục đích chính là kiếm thêm thu nhập và họ dường như không có lựa chọn khác để cải thiện thu nhập.
Con tôi đi học về, buổi tối, tôi thường kiểm tra thử bé học thế nào? Tôi lấy bài toán ra chỉ bé và dạy bé kết quả ra đúng, nhưng với cách giải của tôi, bé không chịu và bảo phải làm theo cách của cô mới được. Tôi hỏi ngược lại bé "cách của cô có ra kết quả đúng như của ba không?". Bé bảo "đúng". Tôi giải thích tiếp: "Một bài toán, một vấn đề không chỉ có một cách giải quyết, mà có rất nhiều cách, miễn sao kết quả đúng là được"...
Và kết quả, con tôi cũng chỉ được 7-8 điểm mà thôi. Nhưng không sao vì tôi chẳng quan tâm điểm số. Bé nhà tôi toàn chơi, không học thêm gì cả bởi tôi muốn bé thoải mái trong việc học. Trong lớp, bé được bạn bè rất yêu mến, không phải vì học giỏi mà vì tài xếp giấy. Với tôi, vậy là đủ.
Tôi nghĩ bố mẹ không nên đặt nặng việc điểm số làm gì vì vô tình gây áp lực cho các con. Chúng ta đều biết bệnh thành tích giáo dục đang chưa chữa được nên cũng không cần tham gia vào đó thêm nữa.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.