Mấy hôm nay, dư luận đang xôn xao về bức ảnh một lớp tiểu học với hơn 30 học sinh, trong đó chỉ có một em không có giấy khen. Nhìn biểu cảm của cậu bé không được nhận giấy khen, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Với tôi, đây là một câu chuyện bi hài về việc khen thưởng học sinh hiện nay.
Tôi đếm thử trong bức ảnh, có 35/36 em học sinh nhận được giấy khen, tỷ lệ 97%. Theo số liệu tổng kết năm học của một tỉnh thuộc khu vực "vùng trũng" của giáo dục cả nước, cuối năm, ở cấp trung học cơ sở có 65% học sinh xếp loại khá, giỏi, ở cấp trung học phổ thông, có 58% học sinh xếp loại khá, giỏi. Tỷ lệ này có thể sẽ cao hơn ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngay cả ở đại học, 25 năm về trước, khi thế hệ tôi tốt nghiệp, một khóa chỉ có vài sinh viên xếp loại giỏi và ai cũng thừa nhận đó là những sinh viên xuất sắc thật sự. Các trường đại học thường giữ lại những sinh viên này để bổ sung vào đội ngũ giảng viên. Còn hiện nay, tôi có dịp làm tư vấn tuyển dụng cho một vài công ty, hầu hết những sinh viên tới nộp hồ sơ đều tốt nghiệp loại khá, giỏi.
Trên thực tế, có một quy luật đã hình thành nhiều năm, càng cấp học thấp, tỷ lệ đạt khá, giỏi càng cao. Một số giáo viên tiểu học chia sẻ "rất hiếm học sinh trong một lớp không được khen thưởng cuối năm".
Theo từ điển tiếng Việt do giáo sư Hoàng Phê chủ biên, "tiên tiến" được giải thích là : ở vị trí hàng đầu, vượt hẳn trình độ phát triển chung (dùng trong một số danh hiệu); (người, đơn vị) đạt thành tích cao, có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy.
Việc có quá nhiều học sinh xếp loại khá, giỏi cuối năm như hiện nay, vô hình chung đã làm "tầm thường hóa" danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Đồng thời làm mất đi ý nghĩa "ở vị trí hàng đầu", "vượt hẳn", "có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy" mà chỉ còn mang ý nghĩa "đạt thành tích cao". Phải chăng, đây cũng là nguyên nhân căn bệnh thành tích tồn tại dai dẳng trong giáo dục? Đã đến lúc cần phải xem xét lại cách đánh giá, xếp loại học sinh.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.